Bảo vệ sức khỏe người bệnh đái tháo đường trong mùa dịch COVID-19
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, khi bệnh nhân có lượng đường cao trong máu và vượt quá ngưỡng giới hạn lọc của thận.
Bệnh có 2 tuýp gồm đái tháo đường tuýp 1 (nhóm bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin), là bệnh gây ra do cơ thể bị thiếu insulin vì lý do bẩm sinh hoặc cơ chế miễn dịch; đái tháo đường tuýp 2 do các tế bào đáp ứng kém với sự điều chỉnh lượng đường trong máu dẫn đến tình trạng tăng đường máu.
Đái tháo đường thường gây ra các biến chứng như: giảm thị lực, mù lòa, đột quỵ tim, đột quỵ não, hoại tử ngọn chi, biến chứng thần kinh ngoại vi, hôn mê do đái tháo đường, khả năng liền các vết thương kém, tăng nguy cơ nhiễm trùng do suy giảm sức miễn dịch…
Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người bệnh đái tháo đường là một trong những đối tượng một khi mắc COVID-19 thì dễ có nguy cơ bị nặng.
Thăm khám, điều trị bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Quang Nhật |
Mắc bệnh đái tháo đường đến nay đã 26 năm, mỗi tháng ông Y Nghêu Mlô (trú buôn Kô Tam, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) đều phải nhập viện khám và điều trị vài lần vì những biến chứng do bệnh gây ra.
Chị H’Yên Niê (con gái của bệnh nhân) chia sẻ: “Cha tôi mắc đái tháo đường tuýp 2 trong thời gian dài, đặc biệt 6 năm trở lại đây tình trạng bệnh của cha tôi trở nên rất nặng, biến chứng qua suy thận mạn giai đoạn 4, ảnh hưởng đến chức năng gan, phổi và dẫn đến đột quỵ. Từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, chúng tôi rất lo lắng bởi cha tôi có bệnh lý nền, sức khỏe rất yếu. Do đó, để phòng tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho cha, người nhà chúng tôi luôn thực hiện tốt 5K, hạn chế tiếp xúc và không tới nơi đông người, đồng thời có chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý để cha nâng cao sức khỏe”.
“Người bệnh đái tháo đường cần phải tuân thủ nghiêm quy tắc 5K; có chế độ dinh dưỡng phù hợp và giờ ăn hợp lý; giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh lo âu, sợ hãi; hạn chế uống rượu, bia; tập thể dục, hoạt động thể lực tại chỗ hợp lý, tránh vận động quá mức. Đặc biệt, người bệnh đái tháo đường nên tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 càng sớm càng tốt”. Bác sĩ Phan Thị Kim Quế khuyến cáo |
Theo bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Kim Quế, Trưởng khoa Nội - Nhiễm (Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột), trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở người bệnh đái tháo đường và người không mắc đái tháo đường là như nhau. Tuy nhiên, đối với những người có bệnh lý đái tháo đường, khi mắc COVID-19, tỷ lệ bệnh nặng và biến chứng sẽ cao hơn so với những người bình thường. Do ở bệnh nhân đái tháo đường, hệ miễn dịch đã bị suy yếu, giảm sức đề kháng khiến sức chống chọi với bệnh sẽ kém đi. Bên cạnh đó, đường huyết cao là môi trường thích hợp cho vi rút, vi khuẩn phát triển, gây bệnh khiến người bệnh đái tháo đường khi mắc COVID-19 sẽ gia tăng các biến chứng, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Quế cũng cho biết, để điều trị bệnh đái tháo đường, các bệnh nhân phải tuân thủ điều trị liên tục thuốc hạ đường huyết/insulin. Khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ giúp người bệnh không bị gián đoạn quá trình điều trị.
Cụ thể, bệnh viện vẫn mở cửa, tiếp nhận thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân đái tháo đường thường xuyên trong điều kiện thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện kê đơn thuốc từ 2 – 3 tháng đối với các bệnh nhân đã điều trị ổn định có nhà ở xa.
Đối với các bệnh nhân đái tháo đường ở trong khu vực phong tỏa vì dịch COVID-19, bệnh viện hỗ trợ, tư vấn qua điện thoại cho người bệnh, nếu bệnh nhân hết thuốc, bệnh viện sẽ hướng dẫn bệnh nhân tạm thời mua các loại thuốc phù hợp ở gần nơi bệnh nhân sinh sống.
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc