Multimedia Đọc Báo in

Hệ lụy từ chữa bệnh kiểu “phước chủ may thầy”

08:48, 31/12/2021

Có những kiểu chữa bệnh dù thiếu cơ sở khoa học, nhưng nhiều người vẫn tin, dẫn đến chuyện bệnh chữa thì không hết mà bản thân còn suýt mất mạng

Chuyện ghi tại bệnh viện

Gần một tháng nhập viện điều trị, em N.T.H.H.Y. (11 tuổi, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) vừa được bác sĩ phẫu thuật, cấy da vào phần chân bị hoại tử.

Trước đó, cuối tháng 11, H.Y. ở nhà trông em thì bị rắn cắn vào bàn chân. Sau đó, gia đình đưa đến thầy lang đắp lá rừng. Qua một ngày đêm, chân của H.Y. càng sưng vù lên, người nhà mới đưa em đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Súp. Sau đó, H.Y. được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong trạng thái hôn mê, bàn chân tím tái, sưng to, da bị phồng rộp.

Mẹ H.Y. lo lắng cho hay, bác sĩ đã cắt lọc phần hoại tử và cấy da vào lại để liền chân. Tuy nhiên, trong tình huống xấu nhất, nếu phần hoại tử vẫn còn lan rộng, H.Y. có thể phải tháo bàn chân để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Nói về việc đưa con đến thầy lang đắp thuốc thay vì đến bệnh viện, người mẹ này tâm sự: “Có bệnh thì vái tứ phương, ai chỉ đâu thì đến đó. Chưa kể, nhà cách trung tâm huyện hơn 40 km nên gia đình đưa con đến thầy lang sơ cứu trước. Tuy nhiên, vết thương của H.Y. chuyển nặng, gia đình tá hóa vay lãi “nóng” để cứu con”.

 

“Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trở ngại đầu tiên là địa bàn rộng, giao thông đi lại cách trở, công tác tuyên truyền về y tế, chăm sóc sức khỏe không dễ dàng. Họ chưa nhận thức đầy đủ mối nguy hại của những phương pháp chữa bệnh lạc hậu”.

bác sĩ Nguyễn Viết Hữu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea Súp

Mang thai lần thứ năm, người phụ nữ tên W. (35 tuổi, dân tộc Xê Đăng, ở buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) nhờ “mụ vườn” đỡ đẻ tại nhà. Chị W. không ngờ quyết định trên khiến bản thân suýt mất mạng vì vỡ tử cung. Ngày 15/11, chị W. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng choáng mất máu, mệt nhiều, da nhợt nhạt, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Qua nắm thông tin, bác sĩ xác định, sản phụ này được “bà mụ vườn” đỡ đẻ và quá trình đỡ đẻ có sử dụng vật cứng để nạo lòng tử cung. Sau khi sinh, bệnh nhân mệt dần, bụng chướng, đau bụng liên tục, sản dịch ra máu ngày càng nhiều. Qua thăm khám và làm các cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị sốc mất máu nghi do vỡ tử cung, tiên lượng rất nặng, có thể tử vong trong và sau mổ.

Xác định đây là ca bệnh khó và hiếm gặp, các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa ứng phó trong khi phẫu thuật. Các bác sĩ đã cắt bỏ tử cung, lấy máu tụ sau phúc mạc, khâu buộc bó mạch vòi trứng phải bị đứt... Sau phẫu thuật, bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, viêm phổi nặng phải chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu. Sau 17 ngày điều trị, hồi sức tích cực, bệnh nhân mới từ "cõi chết" trở về.

ĐIều trị cho bệnh nhi bị tiêu chảy cấp tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp (ảnh chụp tháng 1/2021). Ảnh: Hoàng Ân

Từ bỏ "giai đoạn vàng" cứu người

Tại huyện biên giới Ea Súp vẫn còn tình trạng sản phụ vượt cạn tại nhà, thậm chí tìm thầy cúng để trị bệnh thay vì đến bệnh viện. Việc chậm trễ này đã bỏ qua “giai đoạn vàng” để cứu người khiến bệnh nhân tử vong. Câu chuyện này xảy ra tại cụm dân cư tự phát thuộc xã Cư K’bang vào đầu năm 2021. Đây là khu vực thường xuyên bùng phát dịch tiêu chảy cấp, song nhận thức của nhiều người dân còn hạn chế. Khi bị bệnh, họ ít đi bệnh viện mà chủ yếu tự điều trị tại nhà. Như bệnh tiêu chảy cấp, họ dùng nước gạo uống với suy nghĩ giản đơn vài ngày sẽ khỏi. Nếu bệnh không hết, họ tìm đến thầy cúng vì nghĩ rằng mình bị “ma ám”.

Vì những suy nghĩ lạc hậu trên, bé trai 9 tháng tuổi (dân tộc Mông, trú cụm 10, xã Cư K’bang) đã tử vong vì bệnh tiêu chảy cấp. Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân có dấu hiệu bị bệnh từ ngày 1/1/2021, tuy nhiên gia đình tự điều trị ở nhà, sau đó còn đem con đi thầy cúng. Một tuần sau, bệnh nhân chuyển nặng, gia đình mới đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Súp cấp cứu nhưng đã muộn.

Bác sĩ Nguyễn Viết Hữu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cho hay, tại các cụm dân cư tự phát thuộc xã Cư K’bang, Ea Lê, Cư M’lan… vẫn còn tình trạng sinh con tại nhà, bị bệnh thì nhờ thầy lang, thầy cúng. Phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc vào, nhận thức còn hạn chế, cộng thêm đời sống khó khăn nên ít quan tâm đến chăm sóc sức khỏe. “Những năm qua, cán bộ y tế thôn, buôn nỗ lực tuyên truyền, phổ biến chăm sóc sức khỏe y tế cho người dân ở khu vực trên, song để thay đổi nếp nghĩ đã bám sâu vào nhận thức là cả quá trình lâu dài”, bác sĩ Hữu trăn trở.

Hoàng Cát Tiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.