Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk ứng phó với diễn biến mới của dịch COVID-19

08:14, 13/01/2022

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các lực lượng chức năng của huyện Lắk đã nhanh chóng khoanh vùng, truy vết và phong tỏa các khu vực liên quan với quyết tâm giảm dần số ca bệnh, hạ thấp mức độ dịch, đảm bảo bà con được đón một cái Tết Nguyên đán an toàn.

Trở thành F1 khi có tiếp xúc rất gần với ca bệnh tại xã Đắk Nuê, chị H’Phil Nêung ở buôn Bàng (xã Đắk Liêng) cho biết, ban đầu chị cũng hoang mang, sau đó chị gọi điện cho Trạm Y tế xã và được y, bác sĩ ở Trạm hướng dẫn phương pháp cách ly tại nhà cũng như các biện pháp phòng bệnh, chị đã làm theo cho mình và cho cả nhà. Nhờ vậy, cả gia đình chị đã bình yên bước qua những lúng túng ban đầu. Chị H’Phil cho biết thêm, sau lần suýt trở thành ca bệnh, chị và gia đình đã hiểu rõ hơn về nguy hiểm của dịch bệnh và cũng rõ hơn về các quy trình phòng bệnh.

Xã Đắk Nuê hiện đang là một trong hai vùng dịch có nhiều ca bệnh của huyện Lắk. Dược sĩ Đặng Thị Mỹ Hạnh, Trạm phó Trạm Y tế xã Đắk Nuê cho biết, từ ngày 17/12 đến nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã diễn tiến rất phức tạp với nhiều ổ dịch lây nhiễm trong cộng đồng, đáng chú ý là ổ dịch ở buôn Pai Bi với 80 ca F0, xã đã phải phong tỏa toàn buôn, thực hiện công tác truy vết rộng trên toàn xã. Tuy nhiên, công tác truy vết, khoanh vùng gặp rất nhiều khó khăn khi người dân không hợp tác. Trạm Y tế xã thường xuyên phải phối hợp với tổ COVID-19 cộng đồng đến tận nhà vận động người dân thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Có những trường hợp, Trạm phải cử người tới tận rẫy để lấy mẫu xét nghiệm và tuyên truyền cho người dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nuê, đến thời điểm này xã đã ghi nhận 241 ca F0. Dự báo nguy cơ lây lan dịch vẫn còn tiềm ẩn nên ngay sau khi liên tiếp ghi nhận các ổ dịch trong thời gian gần đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của xã đã họp, nghiêm túc đánh giá nguyên nhân và đưa ra những giải pháp phòng dịch phù hợp để sớm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện 5K, đồng thời tổ chức tuần tra, kiểm soát để kịp thời nắm bắt và xử lý khi dịch bệnh diễn ra.

Ngành y tế huyện Lắk tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân xã Đắk Nuê - một trong hai ổ dịch lớn của huyện.

Để người dân yên tâm điều trị, cách ly, chính quyền xã đã phối hợp với các đoàn thanh niên, hội phụ nữ, tổ COVID-19 cộng đồng, ban tự quản thôn, buôn giúp dân sản xuất cũng như các hoạt động an sinh xã hội khi tiến hành phong tỏa. Xã đã kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ được khoảng 100 triệu đồng mua nhu yếu phẩm cho bà con tại các ổ dịch. Xã cũng thống nhất trích Quỹ Vì người nghèo của xã tiếp tục hỗ trợ cho khoảng 100 hộ có hoàn cảnh khó khăn và các bệnh nhân đi điều trị COVID-19 về để bà con đón Tết đầm ấm.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Lắk, từ ngày 27/4 đến 1/10/2021, Lắk là một trong những huyện "bình yên" của tỉnh khi chỉ có 12 ca bệnh. Tuy nhiên, từ ngày 1/10 đến nay, số ca bệnh tăng nhanh và theo cấp độ tháng sau nhiều gấp đôi tháng trước. Cụ thể, từ tháng 10 đến tháng 11/2021 ghi nhận trên 100 ca bệnh, từ tháng 11 đến tháng 12/2021 số lượng tăng lên trên 200 ca và từ tháng 12/2021 đến nay tăng gần 500 ca. Với số ca bệnh tăng mạnh, đến ngày 11/1/2022 huyện Lắk đã ghi nhận 862 ca bệnh và trở thành huyện duy nhất ở thời điểm hiện tại có cấp độ dịch màu đỏ (nguy cơ rất cao).

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk Phạm Phú Anh cho biết, từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022 trên địa bàn huyện Lắk ghi nhận gần 500 trường hợp mắc COVID-19, tốc độ gia tăng ca bệnh với số lượng lớn, trong đó địa điểm phát hiện các chùm ca bệnh trong cộng đồng chủ yếu ở các thôn, buôn đang vào mùa thu hái cà phê. Nguyên nhân là do quá trình đổi nhân công hái cà phê khiến dịch bệnh lây lan và bùng phát. Hiện nay, toàn huyện ghi nhận hai chùm ca bệnh lớn nhất tại xã Đắk Nuê và xã Krông Nô.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của huyện đã triển khai họp, đánh giá nguyên nhân lây lan, đồng thời nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó với dịch bệnh. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện 5K, tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ nhằm giảm sự lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, để ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới, huyện đã thành lập Ban đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ để thực hiện công tác vừa phát triển kinh tế, vừa thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả. Đẩy mạnh tiến độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19.

Để đảm bảo công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, huyện Lắk đã thành lập 11 trạm y tế lưu động tại 11 xã, thị trấn và các tổ chăm sóc COVID-19 cộng đồng tại các thôn, buôn. Đồng thời thành lập khu điều trị F0 đặt tại Trung tâm Y tế cũ của huyện với số lượng 50 giường bệnh điều trị bệnh nhân F0 tầng 1 và tầng 2, sẵn sàng kích hoạt khi có quyết định của UBND tỉnh về việc cho điều trị F0 tại địa phương. “Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch nhất là tại thời điểm dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, huyện đã củng cố lại hệ thống phòng, chống dịch trên địa bàn toàn huyện, từ Ban Chỉ đạo của huyện đến Ban Chỉ đạo tuyến xã và các thôn, buôn. Tổ chức các lớp tập huấn cho các trạm y tế lưu động và tổ y tế cộng đồng về công tác lấy mẫu xét nghiệm, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân”, bác sĩ Phạm Phú Anh nhấn mạnh.

Đến ngày 11/1, huyện Lắk có 41.548 người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1, đạt 96,1% dân số; 35.489 người tiêm mũi 2, đạt 82%; có 3.146 học sinh từ 12 - 14 tuổi tiêm mũi 1, đạt 82,4%, mũi 2 đạt 2,3%; có 2.870 học sinh từ 15 - 17 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 90,8%, mũi 2 đạt 13,6%. Hiện huyện đang triển khai tiêm mũi 3 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.