Lời thề y đức
Trước khi tốt nghiệp ra trường hành nghề, mọi sinh viên y khoa đều tuyên đọc lời thề Hippocrates - là lời thề y đức. Xuyên suốt hơn 2.500 năm, tư tưởng cốt lõi đó của ông tổ ngành y vẫn phát huy giá trị.
Ngành nghề nào cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp. Song, với đặc thù liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người, những người làm trong ngành y cần phải có những phẩm chất đặc biệt.
Y đức của một người thầy thuốc chính là những nguyên tắc không thay đổi. Hay nói cách khác, dù trong xã hội nào, thời đại nào thì từ hàng nghìn năm nay, thầy thuốc luôn luôn phải lấy đạo đức làm gốc.
Ngày nay, khi thế giới đang diễn biến phức tạp với những trục cạnh tranh đa chiều về vị thế kinh tế, chính trị, sắc tộc, tôn giáo giữa các quốc gia, dân tộc; đặc biệt là những đại dịch xuất hiện liên tục càng thách thức trách nhiệm và đạo đức của y tế thế giới. Ngay cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhiều lần bị điều tiếng, trong hai năm dịch COVID-19 hoành hành, để nói rằng lời thề Hippocrates luôn cần được soi sáng.
Lực lượng y tế làm xét nghiệm SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa: Kim Hoàng) |
Phải thẳng thắn nhìn nhận, trong dịch bệnh, vẫn có một số kẻ trong và ngoài ngành y đã cấu kết để đầu cơ, trục lợi trên nỗi đau của nhân dân. Điển hình là vụ Việt Á. Những cán bộ này biết rõ hành vi như vậy là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện để hưởng lợi từ nỗi sợ hãi, hoang mang của cộng đồng trước dịch bệnh.
Vì số tiền bất chính có thể ăn chia nên họ bất chấp pháp luật, y đức; dù biết rõ là hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, mua các vật tư y tế không đảm bảo chất lượng song vẫn "thổi giá" để lấy tiền Nhà nước chia nhau.
Trước khi bị bắt, một số lãnh đạo các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh còn “thề thốt” kiểu “không uống một cốc cà phê”, “nếu ăn một đồng của Việt Á thôi cũng xứng đáng đi tù”… khiến dư luận càng căm phẫn.
May thay, những “con sâu” kia chỉ là thiểu số. Hai năm dịch bệnh chúng ta chứng kiến rất nhiều những y bác sĩ tận tâm với nghề. Thật là cao cả thay những con người đang ngày đêm ở tuyến đầu, bởi họ đã chọn nghề thầy thuốc như là chọn lựa một cơ hội để cứu người, giúp đời chứ không phải là một phương tiện làm giàu cho cá nhân. Y học thế giới cũng chứng kiến nhiều tấm gương y đức với những phát minh đã cứu hàng triệu người khỏi tử vong.
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhiều địa phương trang trọng tổ chức lễ tôn vinh đội ngũ y bác sĩ. Đó là điều cần thiết trong bối cảnh hai năm trước đó ngành y không tổ chức lễ kỷ niệm, do phải tập trung cao độ phòng, chống dịch COVID-19 bùng phát.
Tuy thế, năm ngoái, thật nhân văn khi WHO đã chính thức chọn năm 2021 là Năm của thầy thuốc (Year of the health and care workers) trên toàn thế giới nhằm tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của lực lượng thầy thuốc trên toàn cầu thời gian qua, cũng như để tưởng niệm những nhân viên y tế đã ra đi mãi mãi trong cuộc chiến chống đại dịch, đồng thời kêu gọi sự tiếp sức của xã hội đối với nhân viên y tế cả về điều kiện làm việc và chăm lo sức khỏe cho y bác sĩ trên toàn thế giới.
Qua đại dịch, rõ ràng rất nhiều giá trị được vun xới, trong đó ngành y không là ngoại lệ. Những nỗ lực cứu người không mệt mỏi của y tế thế giới càng chứng minh đạo đức nghề nghiệp và y đức nói chung luôn phải đồng hành với sự tiến hóa của nhân loại.
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc