Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Súp: Người dân còn lơ là trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

08:05, 26/05/2022

Theo Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, trong 3 năm liên tục gần đây số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên bàn huyện luôn tăng cao, tỷ lệ ca mắc/1.000 dân cao hơn nhiều so với địa phương khác trong tỉnh.

Năm 2021, toàn huyện ghi nhận 741 trường hợp mắc SXH, trong đó có 1 trường hợp nghi tử vong do SXH. Từ đầu năm 2022 đến ngày 20/5/2022, địa phương này có 117 ca mắc SXH ghi nhận tại 6/10 xã, thị trấn, tăng 115 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 2 ổ dịch được ghi nhận tại thị trấn Ea Súp (81 ca) và xã Cư M’lan (30 ca). Trung tâm Y tế huyện đã tiếp nhận, điều trị cho 113 trường hợp nhập viện do SXH. Đa phần bệnh nhân vào viện trong tình trạng bệnh nặng, sốt cao, nôn mửa…

Bà Lê Thị Hoa (50 tuổi, trú xã Cư M’lan) bị SXH phải nhập viện điều trị hơn 5 ngày nhưng sức khỏe còn yếu, phải thường xuyên truyền nước, theo dõi. Bà Hoa chia sẻ: “Tôi bị sốt mấy ngày nay, tự chăm sóc, điều trị tại nhà nhưng không khỏi, đến khi bị sốt cao, nôn mửa thì được người thân đưa lên Trung tâm khám, điều trị. Ngoài được chăm sóc, điều trị, tôi còn được nhân viên tế tuyên truyền, nhắc nhở phải thường xuyên dọn dẹp vệ sinh khuôn viên nhà ở, môi trường xung quanh sạch sẽ, ngăn nắp, đặc biệt tìm diệt lăng quăng để ngăn ngừa bệnh SXH cho bản thân, gia đình”.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ea Súp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết.

Tương tự, em Dương Văn Thành (21 tuổi, nhà ở xã Cư K’bang) cũng nhập viện do bị SXH. Trước khi đưa đến Trung tâm Y tế huyện điều trị, Thành đã tự ý mua thuốc về uống khi có dấu hiệu đau đầu, nôn ói. Uống thuốc được vài ngày nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm mà lại sốt cao liên tục nên gia đình đưa em đến bệnh viện thì được chẩn đoán mắc bệnh SXH. “Ở nhà em thường xuyên ngủ không mắc màn, nơi em ở cũng có nhiều chum, vại trữ nước nhưng không đậy nắp nên có nhiều lăng quăng. Em nghĩ đây cũng chính là nguyên nhân khiến em bị SXH”, em Thành cho hay.

 

Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao. Thời tiết đang bước sang mùa mưa, song song với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, người dân không được chủ quan trong việc phòng, chống bệnh SXH”.

 
Bác sĩ Kiều Thị Thanh Hà, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ea Súp

Bác sĩ Kiều Thị Thanh Hà, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cho biết: “Hiện nay, thời tiết bắt đầu bước vào mùa mưa, đây là yếu tố thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển kéo theo nguy cơ gia tăng dịch bệnh SXH. Nguyên nhân khiến số trường hợp mắc bệnh SXH trên địa bàn huyện tăng nhanh là do người dân chủ quan, ý thức phòng bệnh còn hạn chế như: vẫn còn tình trạng tích trữ nước mưa bằng các vật dụng không có nắp che đậy; để vật dụng chứa nước không cần thiết xung quanh nhà đã tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng sinh sôi, phát triển; khi mắc bệnh, người dân không đến cơ sở y tế ngay mà tự ý mua thuốc về uống, đến khi bệnh quá nặng mới đưa đến bệnh viện…

Trước tình trạng số ca mắc SXH tăng cao, để kịp thời ngăn chặn bệnh lan rộng, Trung tâm Y tế huyện đã tích cực triển khai các biện pháp phòng bệnh đến từng địa bàn dân cư. Cụ thể, Trung tâm phối hợp với trạm y tế các xã, thị trấn có ổ dịch triển khai các đợt phun hóa chất diệt muỗi; kiện toàn 12 đội chống dịch cơ động, trong đó Trung tâm Y tế huyện 2 đội và 10 trạm y tế xã, thị trấn mỗi đơn vị 1 đội. Đồng thời chỉ đạo các trạm y tế tăng cường xử lý môi trường, diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch. Cùng với đó là cử cán bộ bám sát cơ sở, điều tra, giám sát véc-tơ truyền bệnh, nhất là tại các "điểm nóng" như thị trấn Ea Súp, xã Cư M’lan, Cư K'bang; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác truyền thông phòng, chống SXH đến người dân bằng nhiều hình thức…

SXH là bệnh xảy ra quanh năm, nhưng bùng phát mạnh thường vào mùa mưa. Triệu chứng mắc bệnh của trẻ em và người lớn giống nhau. Tuy nhiên, ở người lớn thì số ngày sốt kéo dài hơn, triệu chứng nặng hơn và biến chứng cũng nhiều hơn. Đặc điểm của bệnh SXH là sốt và xuất huyết tương, suy tạng nặng, có thể gây viêm não. Do vậy, việc phòng, chống SXH quan trọng nhất là ý thức của người dân, mỗi gia đình cần chủ động phòng bệnh bằng cách tự bảo vệ để không bị muỗi đốt, tiêu diệt loăng quăng - nguồn lây bệnh ở nơi sinh sống và môi trường xung quanh.

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp.

Ngoài ra, người dân cần sử dụng các biện pháp phòng, chống muỗi đốt như: ngủ màn kể cả ngày lẫn đêm; sử dụng các loại thuốc bôi, xịt chống muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Tuy nhiên, các gia đình không nên tự ý phun hóa chất diệt muỗi mà cần có sự hướng dẫn của các cơ sở y tế bởi nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình sẽ không tiêu diệt được muỗi, lại có thể gây ra tình trạng muỗi nhờn thuốc, kháng thuốc. Đặc biệt, việc sử dụng hóa chất không được kiểm soát nguồn gốc có thể gây tình trạng dị ứng, nhiễm độc.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.