Sự hỗ trợ của gia đình: Tăng hiệu quả điều trị cai nghiện bằng Methadone
Methadone là một chất dạng thuốc phiện tổng hợp, có tác dụng dược lý tương tự như các chất dạng thuốc phiện khác nhưng không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và không gây khoái cảm ở liều điều trị, có thời gian bán hủy dài (trung bình 24 giờ) nên chỉ sử dụng một lần trong ngày là đủ để không xuất hiện hội chứng cai. Methadone có độ dung nạp ổn định nên ít phải tăng liều khi điều trị lâu dài.
Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là một điều trị có kiểm soát, giá thành rẻ, được sử dụng theo đường uống dưới dạng siro nên giúp dự phòng nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường máu (HIV, viêm gan B, C…) giúp người bệnh giảm, tiến đến ngưng sử dụng ma túy, nâng cao sức khỏe tâm thần, phục hồi chức năng tâm lý, xã hội lao động, tạo cơ hội việc làm, giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng.
Điều trị Methadone là một quá trình điều trị lâu dài, thậm chí điều trị cả đời nên ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh, ngoài ý chí và nỗ lực của bản thân bệnh nhân thì sự hỗ trợ, chăm sóc của gia đình là yếu tố vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân đạt kết quả tốt trong quá trình điều trị.
Từ khi bệnh nhân bắt đầu tham gia điều trị, gia đình có thể hỗ trợ thông qua việc động viên tinh thần giúp người nghiện vượt qua khó khăn, tuân thủ điều trị và duy trì kết quả phòng, chống tái nghiện. Người bệnh sẽ trở nên tự tin hơn, thay đổi nhận thức và hành vi khi họ nhận được sự hỗ trợ tích cực, thân thiện từ gia đình và cộng đồng. Sự hỗ trợ này có thể là về tâm lý, các vấn đề xã hội…
Sự giúp đỡ, đồng hành của gia đình góp phần mang lại thành công của quá trình điều trị nghiện chất, làm tăng tỷ lệ tham gia điều trị, giảm tỷ lệ bỏ điều trị, nhỡ liều, quên liều và kết quả điều trị dài hạn sẽ tốt hơn. Khi các thành viên trong gia đình hiểu về cách họ có thể tham gia vào việc điều trị nghiện chất và sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực phục hồi của người nghiện thì khả năng phục hồi thành công lâu dài được cải thiện.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho bệnh nhân và gia đình về việc cai nghiện bằng Methadone. |
Trong quá trình điều trị, gia đình cần thiết lập mối quan hệ tin tưởng ở người nghiện thông qua việc vận động, giáo dục người nghiện về thái độ chấp hành phác đồ điều trị, giúp đỡ người nghiện về việc giải quyết các vấn đề gặp phải trong quá trình điều trị và trong cuộc sống… Tất cả các công việc ấy đều vô cùng quan trọng để nâng cao ý thức tự giác điều trị của người nghiện. Chỉ khi nào tự bản thân người nghiện muốn thay đổi và có ý chí, nghị lực quyết tâm thay đổi, có sự tự tin để thay đổi thì lúc đó người nghiện sẽ tuân thủ và thực hiện quy trình điều trị nghiêm túc.
Bên cạnh việc hỗ trợ người nghiện tham gia điều trị và tuân thủ quy trình điều trị nghiện, gia đình còn có vai trò chăm sóc dinh dưỡng cho người nghiện trong quá trình điều trị và phục hồi. Bởi lẽ, điều trị nghiện chất là một quá trình lâu dài, người nghiện cần khoảng thời gian để hồi phục cả tinh thần lẫn thể chất, việc chăm sóc dinh dưỡng (từ ăn, ngủ, nghỉ..) cho người nghiện là vô cùng quan trọng, góp phần tăng thêm hiệu quả điều trị và phục hồi của người nghiện.
Tại khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, người nghiện ma túy sau khi làm đầy đủ các thủ tục tham gia chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone sẽ được đánh giá sàng lọc ban đầu, giáo dục nhóm 3 lần bởi các tư vấn viên, thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cơ bản bởi các bác sĩ. Tất cả các bước trên bệnh nhân đều có gia đình đi cùng để nắm bắt các thông tin điều trị nhằm hỗ trợ bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Việc nắm bắt được tâm lý của bệnh nhân, trong các buổi thăm khám và tư vấn cá nhân, yếu tố gia đình luôn được các bác sĩ, tư vấn viên chú trọng và đào sâu, làm như thế để phát hiện và phát triển ý chí từ bỏ ma túy, hay hỗ trợ sự quyết tâm của bệnh nhân, kết nối và xây dựng mối liên hệ mật thiết với gia đình và cùng gia đình hỗ trợ tích cực bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Kết quả khảo sát tuân thủ điều trị Methadone của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy trong số các bệnh nhân bỏ trị, hoặc không tuân thủ tốt các quy định về điều trị, phần lớn là bệnh nhân chưa có sự hỗ trợ tích cực từ gia đình. Chính bởi sự bỏ mặc không quan tâm của gia đình, bệnh nhân bắt đầu buông thả và tái nghiện. Ngược lại, những bệnh nhân có kết quả điều trị tốt, phần lớn đều nhận được sự hỗ trợ tích cực từ gia đình.
Nguyễn Công Thành
Ý kiến bạn đọc