Multimedia Đọc Báo in

“Cơn khát” thuốc, vật tư y tế: S.O.S (Kỳ 1)

08:25, 26/07/2022

Tình trạng thiếu thuốc điều trị, thiếu thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra ở hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người bệnh. Song, để giải quyết “cơn khát” thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn cần những giải pháp mạnh từ phía các ngành chức năng. 

Kỳ 1: Bệnh viện, bệnh nhân “lao đao” vì thiếu thuốc

Thiếu thuốc, thiếu vật tư, bệnh viện không thể thực hiện các dịch vụ, kỹ thuật trong tầm tay, bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) phải tự bỏ tiền túi mua từ bên ngoài để phục vụ điều trị, thậm chí một số trường hợp bệnh nhân vào cấp cứu phải chuyển viện “bất đắc dĩ” ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng.

Trăm nỗi khổ vì… thiếu thuốc

Giữa tháng 3/2022, ông H.B.H. (SN 1947, trú xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu trong tình trạng đau ngực dữ dội, khó thở nhiều. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cần phải đặt stent mạch vành. Tuy nhiên, do bệnh viện đang tạm hết stent nên không thể thực hiện được kỹ thuật này. Để kịp thời cấp cứu bệnh nhân trong “giờ vàng”, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã nhanh chóng làm thủ tục cho bệnh nhân chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa để chữa trị.

Đứng trước nguy cơ sinh tử, để tiết kiệm thời gian, gia đình bệnh nhân H. đã liên lạc với một bệnh viện tư trên địa bàn có thực hiện kỹ thuật đặt stent mạch vành và nhanh chóng đưa người thân đến điều trị. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được phẫu thuật đặt stent động mạch liên thất trước để xử lý nhồi máu cơ tim tối cấp.

Theo người nhà của bệnh nhân H., khi nhận thông tin ông H. phải chuyển viện do bệnh viện không có stent để triển khai kỹ thuật, gia đình rất lo lắng vì bệnh nhân đang ở trong tình trạng đau đớn, khó thở, nếu tiếp tục di chuyển đường dài dễ đe dọa đến tính mạng. Vì thế, gia đình đành phải lựa chọn điều trị ở bệnh viện tư nhân thay vì chuyển viện theo chỉ định, dù không được thanh toán BHYT nhưng ông H. được tiếp cận dịch vụ và điều trị kịp thời hơn, nhất là khi đang ở trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”.

Đặt stent mạch vành cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim là kỹ thuật được Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên triển khai nhiều năm qua nhưng nay phải tạm dừng do gói thầu stent mạch vành chưa được đấu thầu.

Tương tự, cuối tháng 6 vừa qua, chồng chị N.T.B. (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) bị nhồi máu cơ tim và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ cho biết trường hợp của chồng chị phải đặt stent mạch vành thì mới có thể cứu sống.

Tuy nhiên, do bệnh viện hiện không có loại thiết bị này nên chỉ có thể cấp cứu ban đầu và đề nghị gia đình chuyển viện cho bệnh nhân. Để nhanh chóng cấp cứu cho chồng qua cơn nguy kịch, gia đình chị B. đã đưa người bệnh đến một bệnh viện tư nhân trên địa bàn thành phố để kịp thời đặt stent, dù mức kinh phí trái tuyến BHYT gia đình phải chi trả không hề nhỏ.

Mới đây nhất, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, một số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phải chuyển viện lên tuyến trên (ở TP. Hồ Chí Minh) điều trị chỉ vì bệnh viện không có tiểu cầu để đáp ứng công tác điều trị.

Không chỉ riêng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế đang diễn ra phổ biến ở hầu hết các bệnh viện công lập, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh nhân, tâm lý bác sĩ ái ngại khi khám chữa bệnh, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, gây tốn kém chi phí cho bệnh nhân khi phải chuyển viện “bất đắc dĩ”.

Và những hệ lụy

Thiếu thuốc, giảm hiệu quả điều trị, giảm sức hút của cơ sở y tế là hệ lụy được hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn đề cập. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên Nguyễn Đại Phong phân tích, khi thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác khám chữa bệnh của bệnh viện.

Bác sĩ điều trị bệnh không đúng phác đồ, thời gian điều trị của bệnh nhân không được liên tục, bệnh nhân chậm khỏi bệnh, thậm chí có những trường hợp phải chuyển tuyến ngay cả khi dịch vụ, kỹ thuật ấy đều nằm trong khả năng thực hiện của bệnh viện. Hiệu quả điều trị giảm, bệnh nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe, bác sĩ giảm uy tín, niềm tin của người bệnh đối với bệnh viện cũng thuyên giảm.

Kho thuốc của Trung tâm Y tế huyện Ea Kar còn thiếu nhiều chủng loại do danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp cơ sở chưa được đấu thầu. Ảnh: Quang Nhật

Minh chứng cho điều này, bác sĩ Nguyễn Đại Phong cho biết, đến thời điểm hiện tại, bệnh viện có 2 gói thầu còn "vướng" quy định của pháp luật chưa thể thực hiện, đó là gói thầu khớp và gói thầu stent mạch vành. Với gói thầu khớp có những mặt hàng chưa được kê khai lên giá, chưa được đưa lên kế hoạch của Bộ Y tế và có những mặt hàng giấy phép chưa hoàn chỉnh.

Còn với gói thầu stent mạch vành, thời gian vừa qua, tại một số bệnh viện gặp rắc rối liên quan đến pháp luật về vấn đề stent mạch vành nên các công ty tham gia đấu thầu đang rất thận trọng. Vì thế, cả 2 gói thầu nói trên vẫn chưa hoàn thành, bệnh viện chưa có thuốc, vật tư để khám chữa bệnh ở các lĩnh vực này.

Cũng đồng quan điểm ấy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc Nguyễn Khắc Hùng cho rằng, thiếu thuốc, vật tư y tế là tình trạng chung đang diễn ra tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn. Tại Trung tâm Y tế Krông Pắc hiện đang thiếu thuốc gây mê, thiếu vật tư y tế, cả những loại của Sở Y tế cung ứng lẫn gói thầu địa phương, mà muốn bổ sung phải chờ đấu thầu. Trong khi đó công tác đấu thầu thì hết sức khó khăn, hệ quả là đến giờ vẫn chưa đấu thầu được, cơ sở y tế thì không có thuốc, vật tư phục vụ khám chữa bệnh.

Bệnh nhân BHYT khám bệnh tại Trạm y tế xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Q. Nhật

Theo Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La, thống kê sơ bộ ban đầu cho thấy, tại một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đang thiếu một số mặt hàng liên quan đến hoạt động khám và điều trị như: thuốc kháng sinh, thuốc liên quan đến nhóm generic, đặc biệt là thuốc hồi sức cấp cứu.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do sau khi dịch COVID-19 được khống chế, lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tăng đột biến, các bệnh hậu COVID-19 và các bệnh mạn tính cần thuốc nhiều.

Trong khi đó, dịch COVID-19 kéo dài suốt 2 năm qua đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, các đơn vị trúng thầu không có đủ nguồn thuốc, vật tư y tế để cung ứng. Mặt khác, công tác đấu thầu chậm trễ cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.

Rõ ràng, có con người, có máy móc nhưng thiếu thuốc và vật tư y tế để vận hành đã khiến cho nhiều trang thiết bị tại các cơ sở y tế phải “đắp chiếu”. Không những thế, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế kéo dài sẽ ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cũng như quyền lợi của bệnh nhân, làm giảm niềm tin của người dân đối với việc khám chữa bệnh bằng BHYT, từ đó sẽ gây khó khăn cho địa phương trong việc vận động người dân tham gia BHYT.

(còn nữa)

Kỳ 2: Đâu là “điểm nghẽn”?!

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.