Multimedia Đọc Báo in

Hiểu đúng về dinh dưỡng hợp lý để phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em

07:17, 25/09/2022

Suy dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng trẻ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, thường gặp nhất là sự thiếu hụt protein, vitamin và các khoáng chất.

Suy dinh dưỡng thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi. Tình trạng nhiều phụ huynh hiểu chưa đầy đủ về suy dinh dưỡng trẻ em và không có biện pháp can thiệp kịp thời đã khiến tình trạng suy dinh dưỡng ngày càng nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, vận động và trí tuệ của trẻ.

Cậu con trai đầu lòng của chị Nguyễn Thu Tài (ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) vừa tròn 3 tuổi. Thoạt nhìn, đứa trẻ có vẻ đầy đặn nhưng khi thực hiện cân đo, cán bộ chuyên trách dinh dưỡng của Trạm Y tế cho biết con của chị bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Chị Tài chia sẻ, thấy con hơi nhỏ bé nhưng chị nghĩ rằng đó là do di truyền, vì cha mẹ đều không cao nên gia đình không mấy quan tâm. Còn gia đình chị H’Lin (ở xã Yang Reh, huyện Krông Bông) có hai con (đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi) thì cả hai đều bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Chị H’Lin cho biết công việc vất vả lại sinh dày nên chị không có điều kiện chăm sóc con chu đáo, chị ít khi nấu ăn mà thường mua cháo dinh dưỡng cho con. Hai con chị lại rất biếng ăn, nhiều khi chỉ cần ăn một gói bim bim hoặc mì tôm trẻ em là không cần ăn cơm nữa.

Bác sĩ Vi Thị Huệ tư vấn chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ tại Trạm Y tế thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc. Ảnh: Đình Thi

Theo bác sĩ Vi Thị Huệ, phụ trách Khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), có nhiều nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng trẻ em, trong đó chế độ ăn không đầy đủ chất dinh dưỡng (ngay từ trong giai đoạn bào thai đến ăn dặm) và bệnh tật, trẻ hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn là hai nguyên nhân chủ yếu. “Xem di truyền là yếu tố gây nên tình trạng thấp còi ở trẻ là cách hiểu sai lầm của khá nhiều phụ huynh. Họ cho rằng bố mẹ thấp thì con sẽ thấp và ngược lại. Thực tế là nhiều bố mẹ có chiều cao khiêm tốn nhưng con của họ lại cao to. Đó là do họ nuôi con bằng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý ở từng giai đoạn phát triển của trẻ và chăm sóc sức khỏe cho con một cách khoa học”, bác sĩ Huệ khẳng định.

Suy dinh dưỡng trẻ em có ba thể chính, gồm: thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi): cân nặng thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới; thể thấp còi (chiều cao/tuổi): chiều cao thấp hơn mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới; thể gầy còm (cân nặng/chiều cao): là hiện tượng cơ và mỡ bị teo đi, được coi là suy dinh dưỡng cấp tính vì thường biểu hiện trong một thời gian ngắn. Các biểu hiện của suy dinh dưỡng gồm: trẻ không tăng cân trong 3 tháng liên tiếp; trẻ thường quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt; bắp tay, chân mềm, nhão, bụng to; chậm lẫy, ngồi, bò, đi, biếng ăn kéo dài…

Nhiều gia đình, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thật sự quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ em như: không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; cho trẻ cai sữa mẹ và ăn dặm sớm, từ 4 tháng tuổi; chế độ ăn hằng ngày nghèo nàn, không đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ như chất đạm (thịt, cá, hải sản, trứng, sữa, các loại đậu/đỗ…), chất béo (dầu ăn, mỡ động vật, bơ..), bột đường (cơm, khoai, bún, phở, đường…), vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả…); môi trường sống kém vệ sinh, không có nước sạch khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm phổi…

Hậu quả của suy dinh dưỡng thường không thể khắc phục được. Với trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng trưởng, khi lớn ảnh hưởng đến khả năng học tập, lao động thể lực, trí lực cũng như mắc một số bệnh mạn tính ở tuổi trưởng thành.

Để phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần xây dựng và duy trì chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời (từ khi mang thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi); cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; có chế độ ăn bổ sung đầy đủ, hợp lý 4 nhóm chất (đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất) theo từng lứa tuổi của trẻ. Đồng thời, theo dõi biểu đồ tăng trưởng hằng tháng nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng; không tự ý dùng thuốc điều trị nếu trẻ bị bệnh; bổ sung Vitamin A, tẩy giun định kỳ và tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Tại Đắk Lắk, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm từ 25,6% (năm 2011) xuống còn 18,4% (năm 2020); tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 35,5% xuống còn 28,5%. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn so với trung bình toàn quốc, lần lượt là 11,6% và 19,5%.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.