Ghi nhận ca mắc cúm A/H5N1 trên người đầu tiên sau 8 năm
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhân là bé gái 5 tuổi, ở tỉnh Phú Thọ nhiễm cúm A/H5N1. Đây là ca bệnh cúm A/H5N1 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014.
Hiện bệnh nhân đang nằm điều trị tại khoa Điều trị tích cực nội (Bệnh viện Nhi Trung ương) với chẩn đoán suy gan cấp, thận cấp/sốc nhiễm khuẩn/suy đa tạng/cúm A/H5.
Theo lời người nhà của bệnh nhi kể, khoảng một tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình có mổ ngan, gà có biểu hiện ốm để ăn.
Khử khuẩn môi trường tại khu dân cư. (ảnh minh họa) |
Ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống để phối hợp với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương cùng điều tra dịch tễ. Đoàn đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A/H5N1. Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
Theo Cục Thú y, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước; tổng đàn gia cầm đang có xu hướng gia tăng để chuẩn bị phục vụ Tết nguyên đán sắp tới. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Dự báo trong thời gian tới nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao.
Các chuyên gia dịch tễ cũng cảnh báo vi rút A/H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao, có thể gây diễn tiến khó lường theo chiều hướng phức tạp, tỉ lệ biến chứng và tử vong cao (từ 50-60% trường hợp mắc). Do vậy, khi có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp cần đến bệnh viện xét nghiệm khẳng định bị mắc vi rút cúm nào để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Để phòng, chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra 5 biện pháp phòng bệnh mà người dân cần thực hiện. Cụ thể: không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân; không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ; khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương; nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc