Multimedia Đọc Báo in

Quyết tâm “phủ sóng” vắc xin phòng COVID-19 (kỳ 2)

08:41, 20/10/2022

Kỳ 2: Những khó khăn từ thực tiễn

Tâm lý chủ quan của người dân cùng sự quan tâm chưa đúng mức của các cấp ngành, địa phương là những tác nhân khiến công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 chưa đạt được chỉ tiêu đề ra. Sự xuất hiện của các biến chủng mới, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng, trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 toàn tỉnh vẫn còn thấp, cảnh báo nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.

Vẫn còn “vùng lõm” tiêm chủng

Dù đã tích cực đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, song đến thời điểm này, huyện Lắk vẫn còn nhiều địa bàn "vùng lõm" tiêm chủng với tỷ lệ tiêm rất thấp. Tính đến nay, toàn huyện mới có trên 50% số xã có tỷ lệ tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong khi ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi thì tỷ lệ tiêm mũi 2 mới đạt 47,8%.

Đơn cử như tại xã Đắk Nuê, dẫu không thiếu vắc xin, nhân lực làm công tác tiêm chủng cũng sẵn sàng, nhưng người dân chẳng mấy “mặn mà”. Theo chị Đặng Thị Mỹ Hạnh, Trạm phó Trạm Y tế xã, căn nguyên của vấn đề trên là do thời điểm dịch COVID-19 mới bùng phát người dân ai cũng mong chờ vắc xin để được tiêm, thế nhưng, chỉ sau một đợt nhiễm bệnh, tâm lý chủ quan xuất hiện ở đại bộ phận người dân vì cho rằng tiêm vắc xin rồi vẫn nhiễm COVID-19 và đã có kháng thể nên không cần tiêm thêm mũi nhắc lại. Đáng cảnh báo là xuất hiện nhiều luồng thông tin đánh giá vắc xin phòng COVID-19 gây biến chứng ảnh hưởng nặng đến sức khỏe, gây giảm sút trí nhớ…, sau đó người dân truyền tai nhau, tạo hiệu ứng đám đông dẫn đến tỷ lệ tiêm đạt thấp.

Học sinh điền tờ khai trước khi khám sàng lọc tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Vấn đề nan giải của xã Đắk Nuê cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương ở huyện Lắk. Dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đồng thời tranh thủ người có uy tín và chức sắc tôn giáo để vận động tín đồ tự giác tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng đến nay vẫn chưa thể thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân này.

 

“Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai cao điểm chiến dịch tiêm chủng, trước mắt tập trung cho đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và đối tượng đã đến thời gian nhắc lại mũi 3, 4. Quan trọng nhất là phải đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân để công tác tiêm chủng đạt hiệu quả cao nhất” – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Tương tự, dù có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với các địa phương khác của tỉnh về vị trí địa lý, trình độ dân trí, nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 của TP. Buôn Ma Thuột vẫn đang ở mức thấp. Bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết, thời gian qua, số người dân chủ động đến các điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 có xu hướng tăng, tuy nhiên thành phố vẫn còn một số “vùng lõm” về tiêm chủng. Đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 của thành phố mới đạt 45,6%; ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi có tỷ lệ tiêm mũi 2 mới chỉ đạt 54,9%. “Khó khăn lớn nhất của ngành y tế hiện nay là có nhiều luồng thông tin sai lệch về tác dụng phụ của vắc xin phòng COVID-19 khiến nhiều người dân trì hoãn tiêm hoặc không đồng ý tiêm cho con em mình. Một số phụ huynh cũng có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, e ngại ảnh hưởng đến sức khỏe sau này nên không tích cực đưa trẻ đi tiêm khiến công tác tiêm chủng khó chồng thêm khó”, bác sĩ Võ Minh Hùng phân tích.

Nhiều người dân có tâm lý chủ quan

Theo bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được Bộ Y tế phát động từ giữa tháng 4/2022. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương tăng tốc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tiêm chủng trong tháng 8/2022 nhưng tỷ lệ tiêm trên địa bàn tỉnh vẫn không thể đạt yêu cầu.

Trẻ em từ 12 đến đưới 18 tuổi tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do người dân đã mắc COVID-19 trong thời gian qua có xu hướng tăng, một số trường hợp đã tiêm 3 mũi vắc xin vẫn nhiễm COVID-19 lần 2, mặc dù đủ thời gian để tiêm nhắc lại nhưng có tâm lý chủ quan và không muốn tiêm liều vắc xin tiếp theo. Nhóm khác lo ngại phản ứng tại mũi tiêm tiếp theo do mũi tiêm trước từng có phản ứng, kèm theo tình hình dịch bệnh không còn căng thẳng và tâm lý cho rằng nếu mắc bệnh cũng không còn nghiêm trọng nên càng không muốn tiêm.

Cùng với đó, hầu hết các địa phương có rất đông người dân đi làm ăn xa nơi cư trú nên không đến cơ sở y tế tiêm vắc xin. Một số nơi, các cơ quan, ban, ngành hiện không còn quyết liệt tham gia hỗ trợ ngành y tế trong quá trình triển khai tiêm chủng. Công tác truyền thông, giám sát và các hoạt động khác bị hạn chế do chưa được cấp kinh phí phục vụ chiến dịch tiêm chủng trong nhiều tháng qua, cùng một số nguyên nhân khác đang đặt ra thách thức không nhỏ cho ngành y tế trong việc hoàn thành mục tiêu “phủ sóng” vắc xin phòng COVID-19 trong cộng đồng.

Rõ ràng, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng còn thấp, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể phải chung tay tháo gỡ, không thể coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành y tế.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Khi có sự vào cuộc từ nhiều phía

Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.