Biến chứng của viêm xoang
Viêm xoang là bệnh rất phổ biến ở nước ta, thường gặp sau khi bị viêm mũi, do cảm cúm, viêm họng...
Ngày nay bệnh có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng các yếu tố của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Trung bình mỗi ngày Khoa Tai – Mũi - Họng (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) khám và điều trị cho 30 trường hợp mắc các bệnh về tai mũi họng, trong đó có 15 - 20% là bệnh viêm xoang, bệnh thường dao động theo mùa.
Xoang là những hốc rỗng, chứa đầy không khí, nằm phía sau xương gò má và trán, gồm 4 loại: xoang trán, xoang sàng, xoang bướm và xoang hàm trên. Tất cả các xoang này được lót bởi niêm mạc (mô mềm). Viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang cạnh mũi bị viêm, gây tình trạng tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, nguyên nhân dẫn đến viêm xoang có thể là nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do siêu vi, vi khuẩn, nấm...; viêm xoang do dị ứng thời tiết và dị ứng với các dị vật khác; có u bướu, thịt dư; vách ngăn mũi bị lệch… Có trường hợp viêm xoang là hậu quả của sâu răng, nhiễm khuẩn răng hàm trên. Sau chấn thương có tổn thương niêm mạc xoang. Tùy theo từng trường hợp do viêm mũi xoang cấp tính hay mạn tính, người bệnh sẽ có các biểu hiện khác nhau, nhưng biểu hiện ngạt mũi và chảy dịch mũi là dấu hiệu quan trọng. Ngạt mũi có thể ngạt từng lúc hoặc liên tục một bên hoặc hai bên, có khi ngạt hoàn toàn, dịch mũi có thể là dịch đục hoặc mủ trắng xanh. Một số người bệnh có thể có dấu hiệu đau âm ỉ vùng dưới ổ mắt, vùng trán, vùng chẩm sau gáy, đau nhiều vào buổi sáng và đau tăng lên trong đợt viêm cấp. Có bệnh nhân giảm ngửi hoặc mất ngửi thường do viêm, làm phù nề hốc mũi hoặc do polyp che kín làm cho không khí không lên được vùng ngửi của mũi. Nhiều trường hợp có dấu hiệu ho kéo dài do mủ từ các xoang chảy xuống gây kích thích vùng họng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị ù tai, hắt hơi, hơi thở hôi...
Bệnh nhân điều trị viêm xoang tại Khoa Tai – Mũi - Họng (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên). Ảnh: Đình Thi |
Khi bị viêm xoang, ngoài triệu chứng nghẹt mũi, chảy mủ..., người bệnh còn bị đau nhức đầu triền miên. Nhiều người còn bị đau mắt, thậm chí là mù mắt do hốc mắt được bao bọc bởi hệ thống các xoang mặt, do có những liên quan chặt chẽ về mặt cấu trúc nên những viêm nhiễm từ mũi xoang có thể gây hại đến mắt như viêm nề ổ mắt, viêm mí...
Biến chứng do viêm xoang hay gặp nhất là nhiễm trùng ổ mắt chiếm tỷ lệ rất cao (85%), trong đó có khoảng 10% sẽ bị mù mắt. Nguyên nhân chủ yếu là do viêm xoang sàng, một số ít là viêm xoang hàm, với xoang trán thì ít gặp hơn. Quá trình viêm nhiễm lan tỏa hoặc theo đường mạch máu từ xoang qua hốc mắt gây nên các biến chứng tại mắt. Biến chứng này thường gặp trong các trường hợp viêm xoang cấp tính. Bệnh nhân đau nhức mắt dữ dội, đau xuyên lên đỉnh đầu. Mi mắt sưng phù do tụ mủ trong hốc mắt. Ngoài ra, viêm xoang còn có thể gây viêm, áp xe mi mắt, túi lệ. Viêm xoang cũng có thể đưa đến viêm màng não, tụ mủ dưới màng cứng, áp xe ngoài màng cứng, viêm tắc xoang tĩnh mạch dọc trên, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang và áp xe não. Đây là các biến chứng về màng não tuy ít gặp nhưng vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong.
Bác sĩ chuyên khoa II Võ Nguyễn Hoàng Khôi, Trưởng Tai – Mũi - Họng (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, do đặc điểm bệnh kéo dài, dai dẳng và khó chữa nên viêm mũi xoang ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đồng thời cũng là gánh nặng về kinh tế cho người bệnh và xã hội bởi các chi phí cho khám, điều trị bệnh.
Để phòng tránh viêm xoang, cần lưu ý hạn chế tiếp xúc với khói bụi, môi trường ô nhiễm, khí lạnh và các hóa chất độc hại, đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm; vệ sinh mũi hằng ngày theo hướng dẫn của cán bộ y tế; nâng cao thể trạng, sức đề kháng bằng chế độ luyện tập thể thao và ăn uống hợp lý. Khi có các dấu hiệu bất thường như chảy mũi, ngạt mũi kéo dài hoặc các biểu hiện như đau đầu, sưng mắt, lồi mắt, nhìn mờ... Đây thường là các dấu hiệu của biến chứng viêm mũi xoang thì người bệnh cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng để được tư vấn điều trị kịp thời. Không nên tự ý dùng kháng sinh, các thuốc nhỏ mũi khi không có ý kiến của bác sĩ; không sử dụng các loại thuốc, thảo dược không rõ nguồn gốc hoặc không có giấy phép của cơ quan chuyên môn vì có thể gây bệnh nặng hơn hoặc mất đi cơ hội điều trị.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc