Lợi ích từ chăm sóc sức khỏe răng miệng
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng hàng đầu thế giới về mắc các bệnh răng miệng với hơn 90% người dân mắc phải các vấn đề về răng miệng, trong đó sâu răng và viêm lợi là hai bệnh phổ biến. Điều đáng buồn là có trên 50% dân số chưa quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng.
Theo điều tra của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, 85% trẻ em lứa tuổi từ 6 - 8 tuổi bị sâu răng sữa. Về tình trạng sâu răng vĩnh viễn, ở lứa tuổi từ 6 - 8 có hơn 25% trẻ bị sâu răng, nhóm tuổi từ 9 - 11 tuổi với 54% trẻ bị sâu răng và mức độ sâu răng cũng nhiều hơn so với nhóm trẻ từ 6 - 8 tuổi. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương có từ 80 - 90% trẻ em răng bị lệch lạc, do răng sữa sâu không được điều trị thích hợp; 2/3 số trẻ em từ 6 - 14 tuổi không bao giờ đi khám răng miệng.
Bác sĩ CKI Bế Thị Thùy Nhiên, Phụ trách khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học – Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, tỷ lệ người mắc các bệnh về răng miệng trên địa bàn tỉnh tương đối cao, nhưng số người có kiến thức chăm sóc, dự phòng căn bệnh này lại rất thấp. Đặc điểm chung là bệnh thường gặp ở những người không có thói quen khám răng miệng định kỳ, đến khi đi khám, bệnh đã phát triển ở mức độ nặng và có thể gây biến chứng.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám răng cho học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh. |
Nhằm cải thiện tình trạng răng miệng cho trẻ học đường, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như: Phối hợp với các trường học khám răng miễn phí cho trẻ; hằng năm truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới; tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân về chăm sóc sức khỏe răng miệng cho con em; lồng ghép tuyên truyền về răng miệng trong các buổi học cho học sinh… Năm 2022, đơn vị đã triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe răng miệng và trám răng dự phòng cho hơn 500 học sinh của 5 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý răng miệng của trẻ.
Bác sĩ Thùy Nhiên nhấn mạnh, trẻ em là đối tượng mắc nhiều bệnh lý răng miệng nhất do thói quen hay ăn quà vặt, chưa biết cách vệ sinh răng miệng đúng cách. Việc giữ gìn vệ sinh răng miệng luôn được các nhà khoa học, nha sĩ nhắc nhở, khuyến khích mọi người nên thực hiện thường xuyên vì những lợi ích mà nó mang lại. Thao tác đánh răng đúng cách sẽ loại bỏ những mảng bám trên bề mặt răng, giữ cho răng miệng luôn sạch sẽ, hạn chế tối đa các bệnh do vi khuẩn gây nên như sâu răng, viêm lợi. Một hàm răng được chăm sóc cẩn thận sẽ trắng sáng, hơi thở trong miệng cũng sẽ thơm tho giúp hàm răng có tính thẩm mỹ cao, chúng ta tự tin hơn trong mọi hoạt động giao tiếp hằng ngày mà không phải ngại ngùng. Sức khỏe răng miệng tốt còn giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể tốt lên, tránh được các bệnh viêm nhiễm khác…
Để trẻ hình thành thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ, vai trò của gia đình rất quan trọng. Gia đình cần phối hợp với nhà trường hướng dẫn cho con biết cách giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng, súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc súc miệng bằng dung dịch fluor 0,2% hằng tuần đúng phương pháp. Bố mẹ nên tập thói quen cho con đánh răng mỗi sáng thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Cần lưu ý đến chế độ ăn uống, cho trẻ ăn nhiều những thức ăn như trái cây, ngũ cốc, giảm những thức ăn nhiều đường. Nên hạn chế cho trẻ ăn vặt giữa các bữa chính để giảm làm tổn thương men răng; khi ăn vặt, cần chọn những thức ăn bổ dưỡng như phô mai, rau tươi, sữa chua không đường hay trái cây. Ở các trường học cần giáo dục kiến thức chăm sóc răng miệng; khám, tư vấn và điều trị các bệnh răng miệng cơ bản cho học sinh.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra răng cho trẻ. Nếu phát hiện răng trẻ có những đốm đen thì cần đưa trẻ đến bác sĩ nha khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời. Những trẻ có sức khỏe răng miệng tốt vẫn nên đến nha sĩ 1 lần/năm. Với những trẻ bị nhiều lỗ trám, lỗ sâu hay các vấn đề răng miệng khác, nên đến gặp nha sĩ ít nhất 6 tháng/lần.
Võ Quỳnh
Ý kiến bạn đọc