Multimedia Đọc Báo in

Ngăn ngừa nguy cơ tử vong do bệnh dại: Cần sự phối hợp đồng bộ

06:12, 25/04/2023

Hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo vẫn còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Cùng với đó, sau khi bị động vật nghi dại cắn người dân vẫn còn tâm lý chủ quan không tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại dẫn đến nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc đã xảy ra.

Nguy cơ tử vong cao

Năm 2023, bệnh dại được ngành chức năng nhận định có thể bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Dù đã gia tăng các giải pháp cảnh báo, phòng ngừa nhưng tình trạng tử vong do bệnh dại vẫn xảy ra.

Mới đây nhất, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do bệnh dại trong năm 2023. Đó là trường hợp của em Đ.N.Y. (nữ, SN 2014, trú thôn Hòa Lộc, xã Chư Kpô, huyện Krông Búk). Khởi phát bệnh vào ngày 9/4/2023 với các triệu chứng sốt cao, nôn ói, sợ nước, sợ gió, bị sặc khi ăn uống nên gia đình cho em Y. nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Bệnh khởi phát nặng nên em Y. đã tử vong vào ngày 10/4/2023. Được biết, khoảng cuối tháng 1/2023, trong lúc đi chơi, em Y. bị chó cắn vào cẳng tay, vết thương khá nhỏ nên gia đình chủ quan không đưa đi tiêm vắc xin phòng dại, không theo dõi tình trạng con chó đã cắn em Y. để chủ động phòng ngừa nên mới xảy ra hậu quả đau lòng.

Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, ngành y tế đã tiến hành điều tra, xác minh trường hợp bệnh, tư vấn cho người nhà bệnh nhân về bệnh dại và truyền thông kiến thức phòng, chống dại cho gia đình và cộng đồng xung quanh. Đồng thời thông báo thông tin trường hợp bệnh cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y để phối hợp xử lý. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã đề nghị Trung tâm Y tế huyện Krông Búk tiếp tục giám sát ổ dịch dại trên người tại địa phương, báo cáo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo đúng quy định; tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại và phối hợp các cơ quan, đoàn thể liên quan có hướng xử trí kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát ra cộng đồng. Đồng thời đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp trong điều tra, xử lý và tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo tại thôn Hòa Lộc, xã Chư Kpô, huyện Krông Búk.

Tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo nuôi tại nhà trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Đắk Lắk đang bước vào mùa nắng nóng, cũng là thời điểm bệnh dại dễ bùng phát trên vật nuôi. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 4 trường hợp bị chó mắc bệnh dại cắn, trong đó một trường hợp ở TP. Buôn Ma Thuột, một trường hợp ở huyện Krông Pắc và hai trường hợp ở huyện Cư M’gar. Cùng với đó, có nhiều trường hợp chó, mèo nuôi tại nhà có triệu chứng của bệnh dại được người dân khai báo với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện dương tính với vi rút dại. Đến nay, bệnh dại vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất và hầu hết các trường hợp tử vong là do không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị động vật cắn.

Tăng cường phối hợp liên ngành

 

“Biện pháp duy nhất để cứu người bị súc vật dại cắn là tiêm vắc xin và huyết thanh dại càng sớm càng tốt, bệnh dại không thể cứu được khi đã phát bệnh và tỷ lệ tử vong là 100%”- bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Thống kê của Sở Y tế cho biết, năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 4/4 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại, không giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, năm 2023, tỉnh đề ra mục tiêu giảm 20% số trường hợp tử vong do bệnh dại so với trung bình giai đoạn 2013 - 2017; nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về bệnh dại và phòng, chống bệnh dại; nâng cao chất lượng của hệ thống giám sát bệnh dại trên người, tăng cường tiêm vắc xin phòng dại; tăng cường phối hợp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật.

Để đạt được mục tiêu đó, thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về bệnh dại và phòng, chống bệnh dại trên người và động vật; tăng cường sự tiếp nhận của người dân với dịch vụ tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Ngành y tế và ngành thú y cũng đã phối hợp hướng dẫn các biện pháp an toàn cho người dân tham gia phòng, chống dịch dại. Tăng cường giám sát và đáp ứng phòng, chống dịch dại ở trên người và động vật, tất cả các trường hợp bệnh nhân nghi bệnh dại và các ổ dịch nghi dại trên động vật đều được điều tra, giám sát. Cùng với đó, thông báo diễn biến tình hình ca bệnh dại phát hiện ở người cho các ban, ngành liên quan để phối hợp phòng, chống.

Chủ động tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo nuôi tại nhà sẽ góp phần giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm bệnh sang người.

Giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh Đắk Lắk đề ra mục tiêu tiêm vắc xin phòng dại cho 80% tổng số đàn chó, mèo nuôi; quản lý được trên 90% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi; trên 90% huyện, thị xã, thành phố giám sát được chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh dại. Để hướng tới việc kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi ở địa bàn tỉnh, phấn đấu không có người tử vong do bệnh dại vào năm 2030 nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng thì cần sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành y tế và ngành thú y, đặc biệt là chính quyền địa phương cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, tuyên truyền và vận động người dân chủ động tiêm phòng bệnh cho động vật nuôi tại hộ gia đình.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.