Multimedia Đọc Báo in

Tăng huyết áp: Hiểu đúng để kiểm soát tốt hơn

08:48, 04/06/2023

Tăng huyết áp là căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay. Đây được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì người bệnh tăng huyết áp không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng mặc dù bệnh đã tiến triển nghiêm trọng. Tăng huyết áp cũng là một trong những nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa, tử vong.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tăng huyết áp là một bệnh phổ biến trên toàn cầu với hơn 1,6 tỷ người mắc và ngày một tăng lên.

Tại Việt Nam, có đến 25,1% số người trên 25 tuổi bị tăng huyết áp và phần lớn không biết mắc bệnh vì bệnh thường không có triệu chứng gì.

Kết quả điều tra của Bộ Y tế gần đây nhất cho thấy, trong 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay, có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị, 79% số người có nguy cơ tim mạch hiện không được tư vấn, quản lý dự phòng. Ước tính cứ 4 người lớn thì có một người bị tăng huyết áp. Dù việc phát hiện bệnh này rất đơn giản nhưng nhiều người vẫn chủ quan.

Anh P.T.V. (42 tuổi, ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) thường xuất hiện các cơn đau thắt ngực, khó thở rất nhiều. Anh đi khám chụp chiếu thì không phát hiện ra bệnh về phổi; sau đó kiểm tra máu và đo huyết áp thì bác sĩ kết luận là tăng huyết áp, chỉ số huyết áp là 170/95 mmHg. Anh rất bất ngờ vì không nghĩ mình bị bệnh tăng huyết áp.

Hay bà N.T.X. (55 tuổi, ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đang điều trị bệnh suy tim tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, phát hiện mắc bệnh tăng huyết áp cách đây 3 năm. Trước đó, do chủ quan vì thấy cơ thể không có triệu chứng gì bất thường nên bà không điều trị, cho rằng bệnh cũng không nguy hiểm. Gần đây thấy chóng mặt, buồn nôn, khó thở, người mệt mỏi, phù nề ở chân, bà đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bị suy tim phải nhập viện điều trị do biến chứng của tăng huyết áp.

Đo huyếp áp đúng cách thường xuyên để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Ảnh: Đình Thi

Theo các chuyên gia tim mạch, tăng huyết áp không có dấu hiệu đặc trưng, các triệu chứng của tăng huyết áp rất phức tạp và nặng nhẹ khác nhau, biểu hiện tùy thuộc theo thể trạng của từng người. Những dấu hiệu hay gặp của tăng huyết áp là: Choáng váng, nhức đầu; mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt; khó thở, đau tức ngực, hồi hộp; đỏ mặt, buồn nôn. Tuy nhiên, đa số người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng gì, và phần lớn người tăng huyết áp thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Các triệu chứng kể trên thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. Chính vì thế tăng huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Bác sĩ Ngô Văn Hùng, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, tăng huyết áp hay cao huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp được xác định dựa trên hai chỉ số (huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương), nếu chỉ số huyết áp đạt từ 140/90 mmHg trở lên được chẩn đoán là tăng huyết áp. Tăng huyết áp sẽ khiến áp suất máu lưu thông trong các động mạch tăng cao, gây nhiều sức ép hơn khiến các mạch máu bị tổn hại dần theo thời gian. Huyết áp tăng gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim… Bệnh lý này được xếp cùng nhóm với các rối loạn, bệnh lý nguy hiểm khác như béo phì, tiểu đường tuýp 2, mỡ máu cao… Việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp chưa đạt được hiệu quả cao một phần do bệnh có diễn tiến âm thầm, rất ít hoặc dường như không có triệu chứng, người bệnh chủ quan về tình trạng sức khỏe và không tuân thủ tốt việc điều trị.

Trong các trường hợp mắc bệnh tăng huyết áp, có khoảng 90 – 95% trường hợp tăng huyết áp không rõ nguyên nhân (tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát). Khoảng 10% trường hợp còn lại tình trạng có nguyên nhân, còn gọi là tăng huyết áp thứ phát. Có một vài yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh tăng huyết áp thường gặp là tiểu đường, cả tuýp 1 và tuýp 2. Tuy nhiên, thường gặp hơn ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, gia đình có tiền sử tăng huyết áp và người có chế độ ăn uống và sinh hoạt có nhiều nguy cơ như: thừa cân, béo phì; ăn mặn, nhiều muối; ít vận động, không tập thể dục; sử dụng nhiều rượu, bia và thuốc lá; căng thẳng.

Bệnh tăng huyết áp là một bệnh mạn tính. Để ngăn ngừa biến chứng, người bệnh nhất thiết phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách áp dụng lối sống khoa học và tuân thủ thuốc điều trị của bác sĩ. Cụ thể, có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 - 22,9, tích cực giảm cân (nếu quá cân).

Cần hạn chế uống rượu, bia, ngừng hoàn toàn hút thuốc lá. Tăng cường tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, tránh bị lạnh đột ngột.

Người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp đúng cách để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp.

Người bệnh đang điều trị cần uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều. Đo huyết áp ít nhất mỗi ngày hai lần và ghi vào sổ theo dõi huyết áp giúp y bác sĩ theo dõi, đánh giá kết quả điều trị.

Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường (đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ...) trong quá trình điều trị.

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.