Phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em
Suy dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng bao gồm thiếu năng lượng protein, lipid và các vi chất dinh dưỡng, khoáng chất ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của trẻ. Suy dinh dưỡng phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.
Bé H’K.N. (ở xã Ea Uy, huyện Krông Pắc) đã 9 tháng tuổi song cân nặng chỉ có 6 kg và người nhỏ hơn rất nhiều so với những trẻ cùng độ tuổi. Bé đang được điều trị nội trú tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Người nhà cho biết, khi sinh ra bé được 3,4 kg, khá bụ bẫm. Từ khi được ba tháng tuổi, bé hay có các biểu hiện sốt cao liên tục và bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa, biếng ăn và không lên cân. Bé đã nhập viện nhiều lần, các bác sĩ chẩn đoán bé bị suy dinh dưỡng mức độ nặng, nếu không điều trị sớm có thể gây ra các vấn đề phát triển lâu dài.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, trong đó có ba nguyên nhân chính: trẻ mắc các bệnh lý nhiễm trùng như viêm phổi, tiêu chảy…, khi đó trẻ sẽ biếng ăn hơn so với bình thường, kém hấp thu và hay bị sụt cân gây ra suy dinh dưỡng. Nguyên nhân thứ hai là trẻ có bệnh lý tim bẩm sinh hay là các bệnh lý di truyền như bệnh Down, các dị tật ở vòm hầu cũng khiến cho trẻ bị suy dinh dưỡng. Nguyên nhân thứ ba là những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, có cân nặng bình thường song trong quá trình nuôi dưỡng có chế độ ăn không hợp lý như: trẻ được ăn dặm quá sớm hay ăn dặm quá muộn, hoặc số lượng bữa ăn quá ít và thiếu dinh dưỡng khiến trẻ không được cung cấp đầy đủ đạm hay các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển.
Khi nghi ngờ bất cứ dấu hiệu trẻ bị suy dinh dưỡng, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp. Ảnh: Đình Thi |
Theo thống kê của Khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk), năm 2022 có 1.508 trẻ em được điều tra về tình trạng dinh dưỡng, trong đó có 786 trẻ em nam, 722 trẻ em nữ; tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi là 18,3%; suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi là 28,3%. Những trẻ suy dinh dưỡng thì cân nặng và chiều cao sẽ thường không tăng liên tiếp trong vòng 3 tháng, hay ốm vặt. Theo bác sĩ CK I Nguyễn Hoàng Linh (Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), nếu trẻ bị suy dinh dưỡng mà không được sự can thiệp sớm và đúng cách thì hệ miễn dịch bị suy yếu, trẻ dễ dàng mắc các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, biếng ăn và kém hấp thu, từ đó làm trẻ sụt cân và suy dinh dưỡng, tạo thành một vòng luẩn quẩn: bệnh lý nhiễm trùng là nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng, là cái nền để cho vi khuẩn hoặc vi rút gây bệnh tăng sinh và gây ra bệnh lý nhiễm trùng. Ngoài ra trẻ bị suy dinh dưỡng còn thiếu các vi chất như sắt, kẽm có thể ảnh hưởng tới IQ của trẻ sau này.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh suy dinh dưỡng cho trẻ, các bậc cha mẹ cần cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn dặm đúng lúc và đúng cách, ăn thực phẩm đa dạng, cho trẻ ăn thô đúng thời gian quy định và đầy đủ 4 nhóm thực phẩm như: đạm, đường, chất béo, vitamin và muối khoáng. Bổ sung thêm các vitamin mà trẻ hay thiếu như vitamin A, vitamin D, các khoáng chất sắt, kẽm. Trẻ cần được xổ giun định kỳ 6 tháng một lần. Những trẻ suy dinh dưỡng thì cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, tránh khói thuốc lá, không khí bị ô nhiễm, tiêm vắc xin đầy đủ để phòng các bệnh lý cấp tính như viêm phổi, tiêu chảy. Điều cần lưu ý là các bậc phụ huynh nên theo dõi cân nặng của trẻ, ít nhất cân nặng và chiều cao của trẻ trong vòng 3 tháng để theo dõi đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ một cách sớm nhất.
Kim Oanh - Hồng Ánh
Ý kiến bạn đọc