Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo nguy cơ “dịch chồng dịch” trong học đường

08:20, 19/09/2023

Cùng với tình trạng bùng phát dịch bệnh đau mắt đỏ (ĐMĐ), dịch bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SHX) cũng chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, cảnh báo nguy cơ “dịch chồng dịch” trong học đường là rất cao.

Nguy cơ “dịch chồng dịch”

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là dịch SXH, TCM với nhiều trường hợp tử vong. Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, nhất là trong thời điểm học sinh tựu trường, ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục chỉ đạo, hướng dẫn các trường học trên địa bàn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để học sinh bước vào năm học mới an toàn.

Qua ghi nhận thực tiễn, trước lễ khai giảng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai tổng vệ sinh, phun khử khuẩn trường, lớp. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, ban giám hiệu các trường đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhận biết và phòng ngừa bệnh trước khi đón học sinh tựu trường.

Cô Lê Thị Vui, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quốc tế (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, xác định việc bảo đảm vệ sinh và an toàn sức khỏe cho trẻ là nhiệm vụ ưu tiên, công tác khử khuẩn, vệ sinh lớp học, vệ sinh đồ chơi cho trẻ được nhà trường thực hiện hằng ngày. Trường cũng bố trí các dụng cụ rửa tay ở mỗi lớp, dạy trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó, nhà trường còn chú trọng vệ sinh môi trường xung quanh khu vực lớp học, tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở trẻ. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, trường cũng tiến hành cách ly, đưa trẻ đến phòng y tế để theo dõi, chăm sóc, đồng thời thông báo cho phụ huynh đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cho trẻ nghỉ ở nhà để tránh tiếp xúc, lây lan sang các trẻ khác.

Học sinh trường Mầm non Hoa Lan (TP. Buôn Ma Thuột) vệ sinh tay trước khi ăn.

Tại TP. Buôn Ma Thuột, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 367 trường hợp mắc bệnh TCM với 5 ổ dịch.

 

“Trẻ em, học sinh cần được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm; thực hiện vệ sinh môi trường, nhà cửa, lớp học và vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng” - Bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Bác sĩ Đặng Ngọc Sơn, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, đến nay, thành phố đã kịp thời điều tra, xử lý các ổ dịch, điều tra ca bệnh mắc trong trường học, tiến hành phun khử khuẩn tại trường học và nơi ở.

Hiện tại, nhiều trường học tại địa bàn ghi nhận số ca bệnh ĐMĐ tăng mạnh, nhiều lớp học có đến hơn 50% học sinh phải nghỉ học vì ĐMĐ. Trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh, Trung tâm cũng đã ban hành công văn hướng dẫn các trạm y tế thường xuyên phối hợp điều tra, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nhất là trong trẻ em, học sinh để giảm tỷ lệ mắc bệnh, tránh nguy cơ tử vong do dịch bệnh truyền nhiễm gây ra.

Chủ động phòng ngừa

Theo đánh giá của Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), hiện nay các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhất là lứa tuổi mầm non đang gia tăng nhanh, nhất là thời điểm tựu trường, trẻ chơi đùa, tiếp xúc với nhau nhiều hơn sẽ tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan, nguy cơ dịch bùng phát là rất cao.

Đáng lưu ý trong đó, số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh TCM hiện gia tăng nhiều, hầu hết các trẻ đều mắc TCM type Enterovirus 71 (EV71). Đây là type vi rút có độc tính rất mạnh và có nhiều khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương gây nên các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong ở trẻ. Trong khi đó, bệnh TCM hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các ca bệnh thường gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 trùng với thời điểm học sinh tựu trường. Vì vậy người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Thăm khám sức khỏe cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách CDC cho biết, tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy đã được kiềm giảm, nhưng bệnh SXH và TCM lại có chiều hướng gia tăng. Như bệnh SXH, số ca mắc ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh với số mắc khá cao, đặc biệt trong tháng 7 và 8, qua điều tra chỉ số véc tơ truyền bệnh ở các địa bàn trọng điểm tăng cao. Cùng với đó, bệnh TCM cũng được ghi nhận số mắc tăng trong tháng 8, cụ thể đến thời điểm hiện tại đã có hơn 1.200 ca mắc bệnh với 3 trường hợp tử vong. Nếu không có giải pháp kịp thời, dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng nhất là trong mùa mưa bão và tựu trường của học sinh.

Bàn về giải pháp phòng ngừa, bác sĩ Hoàng Hải Phúc cho biết, đối với bệnh SXH, CDC đã có văn bản tham mưu cho Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị và UBND các huyện cùng vào cuộc triển khai thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy). Đối với các đơn vị y tế và các xã, huyện trọng điểm, chỉ đạo điều tra chỉ số véc tơ truyền bệnh và thực hiện phun hóa chất diện rộng trên địa bàn toàn thôn, xã theo kế hoạch đã được Sở Y tế phê duyệt. Riêng bệnh TCM, Sở Y tế cũng đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực truyền thông, điều tra, giám sát và thực hiện vệ sinh tại các lớp học để phòng, chống dịch bệnh lan rộng trong học đường.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc