Multimedia Đọc Báo in

Phát hiện sớm các bệnh về mắt đề phòng suy giảm thị lực

08:24, 15/10/2023

Suy giảm thị lực là tình trạng tổn thương về nhãn khoa hoặc bị các bệnh ở mắt khiến cho chức năng của mắt bị suy giảm, tầm nhìn lẫn khả năng nhìn bị hạn chế gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt, làm việc, học tập.

Suy giảm thị lực thường diễn biến từ từ, không đột ngột nên đa phần người bệnh không để ý, phát hiện ở giai đoạn muộn, đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người bị suy giảm thị lực vĩnh viễn, không thể hồi phục. 

Cách đây khoảng 4 tháng, mắt của ông B.V.T. (65 tuổi, ở thị trấn Ea T’Linh, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) có dấu hiệu nhìn mờ, mọi cảnh vật phía trước đều giống như sương mù và tầm nhìn chỉ khoảng 2 m trở lại. Ông T. đến khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) khám thì được bác sĩ chẩn đoán hai mắt của ông bị đục thủy tinh thể phải phẫu thuật. Còn bà T.T.V. (65 tuổi, ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng) bị mờ mắt từ nhiều năm nay song bà không đi khám vì cho rằng tuổi già mắt kém, nhìn mờ là quy luật tự nhiên. Thời gian gần đây, mắt bà có cảm giác cộm, ngứa rất khó chịu, bà thường xuyên dùng tay dụi mắt, khiến mắt bị đỏ, nổi ghèn và đau nhức mỗi khi ngủ dậy. Khi đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám thì bà được bác sĩ cho biết mắt bị viêm kết mạc và đục thủy tinh thể, phải phẫu thuật đục thủy tinh thể thì thị lực mới cải thiện.

Bác sĩ Trần Thị Như Anh (khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết: Các bệnh lí về mắt thường gây suy giảm thị lực là các tật khúc xạ, đục thủy tinh thể, các bệnh glocom, các bệnh viêm nhiễm tại mắt (như: viêm kết mạc, viêm giác mạc, tuyến lệ), các bệnh lí liên quan đến toàn thân (như: bệnh lí võng mạc đái tháo đường, bệnh lí võng mạc do cao huyết áp, bệnh nhãn giáp) và tất cả các loại bệnh do chấn thương. Những trường hợp bị suy giảm thị lực thường là ở người lớn trên 60 tuổi và trẻ em. Ở người trên 60 tuổi suy giảm thị lực do bị đục thủy tinh thể chiếm tỷ lệ cao nhất, còn ở trẻ em chủ yếu bị tật khúc xạ.

Chủ động khám ngay khi có biểu hiện bất thường về mắt, đảm bảo việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Ảnh: Đình Thi

Ở trẻ em, bị suy giảm thị lực đôi khi chỉ bị một mắt, trẻ vẫn sinh hoạt bình thường, cha mẹ không phát hiện được, chỉ đến khi tình cờ đi khám hoặc trẻ tự nhận thức được, tình cờ che mắt một bên nhìn mờ mới biết bị suy giảm thị lực. Trường hợp trẻ phát hiện sớm, điều trị sớm thì với bệnh tật khúc xạ, đeo kính sớm sẽ hồi phục thị lực, nhưng nếu phát hiện muộn, khi qua giai đoạn phát triển của bộ phận nhãn cầu, có đeo kính cũng không hồi phục được thị lực. Còn ở người lớn tuổi, trường hợp suy giảm thị lực do đục thủy tinh thể, nếu được phát hiện sớm và được chỉ định phẫu thuật khi cần sẽ đem lại thị lực tốt sau phẫu thuật. Với những bệnh nhân phát hiện quá muộn, thị lực không còn, sáng và tối đều âm tính thì dù có phẫu thuật cũng không đem lại kết quả.

Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân bị suy giảm thị lực ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có tâm lý chủ quan để tình trạng suy giảm thị lực nặng mới đi khám, gây khó khăn cho việc điều trị. Biểu hiện chung thường gặp của suy giảm thị lực là cảm thấy nhức mắt thường xuyên, mắt nhìn mờ, nhòe, nhìn không rõ, khi nhìn lâu thấy mắt nhức mỏi và khô mắt. Thỉnh thoảng nhìn thấy những chấm đen nhỏ trước tầm nhìn. Khi có những dấu hiệu này thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Để phòng ngừa các bệnh về mắt, bác sĩ khuyến cáo: nên duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối, giàu vitamin, nhất là các vitamin A, B, E, ăn nhiều rau quả có màu vàng, lá xanh đậm. Các nguyên tố vi lượng như kẽm, đồng với khả năng chống oxy hóa cũng có tác dụng rất hữu hiệu trong việc ngăn ngừa thoái hóa mắt. Nên hạn chế các đồ ăn sẵn có nhiều đường, nhiều dầu mỡ, hạn chế bia, rượu, thuốc lá. Ngoài ra, không nên làm việc với máy tính quá lâu trong ngày, thực hiện các động tác massage nhẹ nhàng quanh khu vực mắt; khám mắt định kỳ, nhất là khi bắt đầu bước vào độ tuổi ngoài 40. Tăng cường tập thể dục, rèn luyện sức khỏe nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Khi ra đường, nên đeo kính bảo vệ mắt, đội mũ rộng vành, tránh tiếp xúc mắt trực tiếp với ánh nắng mặt trời và bụi bẩn, nhỏ nước mắt nhân tạo để phòng ngừa khô mắt; trường hợp người bệnh có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường… cần phải kiểm soát huyết áp, đái tháo đường thật tốt và chủ động đi khám ngay khi có biểu hiện bất thường về mắt.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc