Multimedia Đọc Báo in

Chủ quan với bệnh dại: Hậu quả khôn lường

07:14, 12/12/2023

Mặc dù công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh dại đã được các ngành chức năng đẩy mạnh nhưng trên thực tế vẫn còn không ít trường hợp người dân chủ quan không đi tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại sau khi bị chó cắn, mèo cào dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Liên tục các ca mắc bệnh dại

Mới đây trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận ca tử vong thứ 4 do bệnh dại trong năm 2023. Khoảng 3 tháng trước, nam bệnh nhân 32 tuổi trú tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột bị chó cắn vào cổ tay trái, có xử lý vết cắn và đi khâu 3 mũi nhưng do tâm lý chủ quan, nghĩ rằng chó nhà nuôi lành tính nên không tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Khoảng cuối tháng 11, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sợ nước, sợ gió. Người nhà đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám và điều trị với chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn và tử vong sau đó.

Cũng trong tháng 11/2023, Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) đã tiếp nhận bệnh nhi Đ.D.M. (6 tuổi, trú huyện Krông Pắc) trong tình trạng sốt, có vết thương sưng, trầy xước ở ngón tay thứ ba bên phải do bị chó cắn. Trước đó bệnh nhi bị chó cắn nhưng người nhà chủ quan chưa tiêm vắc xin phòng dại cho trẻ. Đến khi con chó chết và bệnh nhi lên cơn sốt, gia đình mới đưa trẻ nhập viện. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, nắm rõ thông tin và lý do trẻ nhập viện, các bác sĩ đã ngay lập tức yêu cầu người nhà đưa trẻ đi tiêm vắc xin và huyết thanh phòng dại cho trẻ. Hiện trẻ đã hạ sốt và đang tiếp tục được theo dõi sát tại bệnh viện.

Chủ động tiêm vắc xin phòng dại cho chó nhà để tránh nguy cơ lây bệnh dại từ chó, mèo sang người.

Thực tế, hằng năm trên địa bàn tỉnh đều ghi nhận các trường hợp tử vong vì bệnh dại. Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp mắc và tử vong do dại tại các huyện: Cư M’gar, Krông Pắc, Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột. Năm 2023, tính đến tháng 11, toàn tỉnh đã ghi nhận 4 trường hợp mắc và tử vong do dại tại các huyện Krông Búk, Krông Pắc, TP. Buôn Ma Thuột. Đây chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm” bởi số lượng người bị chó dại cắn, tử vong chưa được thống kê đầy đủ trong cộng đồng thực tế lớn hơn nhiều. Tình trạng này đã gióng lên hồi chuông báo động về mức độ chủ quan với bệnh dại, một căn bệnh gây chết người xuất phát từ vi rút dại truyền từ chó, mèo mang bệnh dại sang người.

Vắc xin có thể phòng bệnh 100%

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), hiện nay, người dân nuôi chó, mèo trong nhà khá nhiều nên gia tăng tình trạng bị chó cắn, mèo cào đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, khi trẻ bị chó cắn, mèo cào, không ít phụ huynh chủ quan không đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin, đến khi trẻ phát bệnh dại mới đưa nhập viện thì đã quá trễ, bởi bệnh dại khi đã lên cơn hầu như không cứu chữa được.

Để tránh hậu quả đáng tiếc, theo khuyến cáo từ ngành y tế, khi bị chó, mèo cào cắn cần rửa vết thương ngay với xà phòng và xả dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại. Đối với phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần trông nom trẻ cẩn thận, không nên cho trẻ chơi chung với chó, mèo. Nếu là chó, mèo của gia đình thì phải bắt buộc tiêm phòng định kỳ đầy đủ. Khi nghi ngờ trẻ có tiếp xúc không an toàn với chó, mèo hoặc bị chó cắn, mèo cào cần đưa trẻ đi tiêm phòng dại ngay. Tuyệt đối không được điều trị bằng các bài thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép.

Tuyên truyền lưu động về sự nguy hiểm của bệnh dại tại địa bàn huyện Cư Kuin.

Bác sĩ Minh cũng khuyến cáo, bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật bị bệnh dại lên vùng da bị tổn thương. Bệnh dại trên người có thể hoàn toàn phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin hay huyết thanh kháng dại. Nếu tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%. Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật. Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, vài tháng, cả năm khi vết thương do chó, mèo cắn, cào đã liền sẹo, thậm chí người ta còn quên mất việc người bệnh từng bị chó, mèo cắn.       

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát sinh và tiêu hủy hơn 20 con chó mắc bệnh dại tại địa bàn các huyện Cư M’gar, Krông Pắc, Cư Kuin, Krông Bông, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột. Điều đó cho thấy, vi rút dại lưu hành trên đàn chó khá nhiều. Trong khi đó, người dân vẫn giữ thói quen nuôi chó thả rông, không rọ mõm, không cột xích, dẫn đến không ít trường hợp để chó cắn người. Do đó, để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trong việc nuôi và tiếp xúc với chó, mèo. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp tiêm phòng cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; vật nuôi phải được xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm…

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.