Phục hồi chức năng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị
Phục hồi chức năng đúng cách giúp cải thiện và hồi phục các cơ quan, bộ phận gặp vấn đề do chấn thương, tai nạn, hoặc do di chứng của các bệnh lý như tai biến mạch não, tim mạch, xương khớp, bại não... gây ra.
Quá trình này thường được thực hiện song song với phòng và chữa bệnh nhằm góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giảm thiểu tình trạng tái phát bệnh sau điều trị, hỗ trợ phòng bệnh để tránh gây liệt, tàn phế.
Bác sĩ thăm khám và đánh giá thương tật để đưa ra những bài tập phù hợp. Ảnh: B. Trọng |
Với nhiệm vụ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh bị khiếm khuyết và hạn chế chức năng, hằng ngày Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) tiếp nhận điều trị phục hồi chức năng cho khoảng 100 – 120 lượt bệnh nhân (cả nội trú và ngoại trú) bị tai nạn, di chứng của các bệnh lý về thần kinh, thoát vị đĩa đệm, xương khớp, thoái hóa đốt sống, tai biến mạch não…
Bác sĩ Huỳnh Văn Lộc, Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng cho biết: Mỗi bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm khám kỹ, xác định những thương tật để đưa ra những bài tập phù hợp với tình trạng của bệnh, mỗi người sẽ được hướng dẫn luyện tập theo các phác đồ khác nhau.
Phục hồi chức năng đúng cách đem lại lợi ích rất lớn cho người bệnh, không chỉ cải thiện tình trạng sức khỏe sau khi chữa bệnh mà còn giảm thiểu tối đa những biến chứng có thể xảy ra.
Như trường hợp ông Trần Văn Hằng (trú xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) bị nhồi máu não nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Sau quá trình điều trị ổn định, tuy bệnh nhân đã thoát khỏi cửa tử, song các chức năng cơ bản nhất như nhận thức, đi lại, ăn uống, nói cười… đều không thực hiện được.
Bà Hoàng Thị Diệu, vợ bệnh nhân chia sẻ: “Với trường hợp của chồng tôi, gia đình cũng không có hy vọng nhiều. Tuy nhiên, nhờ sự động viên và hỗ trợ của các y bác sĩ, đến nay sau hai tháng phục hồi chức năng, sức khỏe của chồng tôi đã hồi phục rất tốt, từ liệt nửa người bên phải nay đã có thể cử động được tay chân và đã nhận biết được mọi việc”.
Tương tự, chị Chu Thị Huyền (trú xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc) qua hơn một tháng luyện tập phục hồi chức năng vận động sau khi bị tai nạn giao thông đã có sự chuyển biến tốt.
Chị Huyền cho biết: “Tôi bị đứt dây chằng gối trái. Sau khi phẫu thuật nối dây chằng gối ổn định, tôi được chuyển xuống luyện tập phục hồi chức năng. Lúc đầu chân tôi không cử động co duỗi được, đi lại rất khó khăn phải chống nạng. Sau một tháng tập luyện phục hồi chức năng, nay tôi đã có thể tự đi lại được gần như bình thường”.
Để bệnh nhân được phục hồi nhanh và đề phòng những biến chứng, các bài tập phục hồi chức năng sẽ được bác sĩ và kỹ thuật viên phục hồi chức năng thiết kế riêng cho từng bệnh nhân tùy vào thể trạng, tình trạng sức khỏe.
Các phương pháp phục hồi chức năng được sử dụng bao gồm: vận động trị liệu (các bài tập thực hiện trên chính người bệnh và các bài tập với dụng cụ trợ giúp), vật lý trị liệu (laser, sóng ngắn, điện xung, siêu âm điều trị…) và tâm lý trị liệu (giúp người bệnh ổn định về tinh thần, vượt qua giai đoạn khó khăn của bệnh tật và tư vấn hướng nghiệp cho người bệnh khi cần).
Công tác phục hồi chức năng nhằm đáp ứng yêu cầu phục hồi chức năng cho người bệnh của tất cả các chuyên khoa trong bệnh viện, đặc biệt là tim mạch, hô hấp, ngoại thần kinh, chấn thương chỉnh hình, ngoại lồng ngực, lão khoa…
Hiện nay, số người cần phục hồi chức năng gia tăng song các cơ sở khám chữa bệnh hiện mới chỉ đáp ứng từ 15 - 20% nhu cầu của người bệnh, 80% còn lại phải dựa vào cộng đồng.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phục hồi chức năng đạt hiệu quả tốt, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, kiên trì luyện tập và nên đến cơ sở y tế uy tín, chuyên sâu để được thăm khám hướng dẫn luyện tập phù hợp.
Ngọc Lan - Võ Quỳnh
Ý kiến bạn đọc