Hiện đại hóa và phát triển toàn diện y, dược cổ truyền
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện kết luận số 86-KL/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về “Phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 86-KL/TW, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh áp dụng phương pháp xoa bóp áp lực hơi trong điều trị cho bệnh nhân. |
Cụ thể, đến năm 2030, đầu tư nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh theo phương án phát triển mạng lưới cơ sở y tế theo quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; 95% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa có Khoa y dược cổ truyền; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương có triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền; tăng tỷ lệ dược liệu nuôi trồng trong tỉnh, khuyến khích dược liệu nuôi trồng đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP – WHO); giảm dần tỷ lệ nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền.
Các nhiệm vụ và giải pháp được đề ra để hoàn thành tốt kế hoạch là: tiếp tục cụ thể hóa các chính sách về y học cổ truyền, đổi mới hệ thống quản lý, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ của y học cổ truyền gắn với du lịch chăm sóc sức khỏe; tăng cường đầu tư, chú trọng đào tạo, phát triển lương y, lương dược, bố trí đủ nhân lực từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực, thành phần tham gia phát triển nền y học cổ truyền tỉnh; quy hoạch, phát triển vùng nuôi, trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và bảo đảm an ninh, an toàn dược liệu đề xuất chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu nhất là các dược liệu quý, dược liệu có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo; phát triển ngành công nghiệp dược liệu gắn với nghiên cứu khoa học, hình thành các chuỗi liên kết, sản xuất, bảo quản, chế biến, chuyển giao công nghệ trong nuôi trồng dược liệu, sản xuất và tiêu dùng thuốc y học cổ truyền…
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc