Phát triển Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên xứng tầm nhiệm vụ
Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác khám chữa bệnh; thái độ phục vụ, chăm sóc sức khỏe người dân được cải thiện; mang lại những kỹ thuật chuyên sâu để phục vụ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân là những kết quả nổi bật mà Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên đạt được trong những năm qua.
Chuyển đổi số khám chữa bệnh
BVĐK vùng Tây Nguyên được thiết kế 1.250 giường bệnh, tuy nhiên nhu cầu sử dụng bệnh nội trú hiện nay đã lên đến 1.800 - 1.900 giường bệnh/ngày. Trước nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, BVĐK vùng Tây Nguyên cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tối ưu hóa quy trình làm thủ tục thăm, khám bệnh mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhân viên y tế.
Đoàn công tác của Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh tham quan khu vực khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Để rút ngắn thời gian tiếp nhận bệnh nhân, tránh tình trạng chờ đợi, quá tải, bệnh viện đã triển khai đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân, sử dụng ứng dụng VNeID, VssID thông qua phần mềm của bệnh viện; liên thông đơn thuốc với Cổng đơn thuốc quốc gia, thanh toán không dùng tiền mặt…
Mới đây, Sở Y tế cũng đã triển khai mô hình khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, kiosk tự phục vụ đi vào hoạt động tại BVĐK vùng Tây Nguyên. Đây được xem là bước tiến trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong khám chữa bệnh tại bệnh viện. Việc sử dụng kiosk tự phục vụ sẽ giúp giảm áp lực cho nhân viên y tế, nâng cao hiệu quả làm việc và chất lượng phục vụ, tiết kiệm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, đồng thời giảm thiểu lỗi nhập liệu.
Nâng cao năng lực y tế chuyên sâu
"Với hơn 2 triệu dân, 49 dân tộc anh em cùng sinh sống tại tỉnh Đắk Lắk, để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, việc phát triển Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên theo Quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ là cấp thiết”- Bác sĩ Nguyễn Đăng Giáp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Ngày 27/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phân bổ mạng lưới cơ sở y tế đến năm 2025 sẽ nâng cấp một số BVĐK cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng tại một số địa phương để cung ứng các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu cho người dân tại từng vùng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên sâu. BVĐK cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng có nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các cơ sở y tế trong vùng, đảm nhận vai trò ứng phó cấp vùng khi có dịch bệnh, thảm họa, trong đó BVĐK vùng Tây Nguyên đảm nhận vùng Tây Nguyên.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Giáp, Giám đốc BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh viện hiện có 37 khoa phòng; nhiều khoa, phòng phát triển mạnh như: Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch, Khoa Chấn thương chỉnh hình…
Đặc biệt, Dự án nâng cấp Khoa Ung bướu thành Trung tâm Ung bướu thuộc BVĐK vùng Tây Nguyên có quy mô 400 giường được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 08/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 đã được triển khai và đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Dự án nâng cấp Khoa Ung bướu thành Trung tâm Ung bướu thuộc BVĐK vùng Tây Nguyên nhằm đáp ứng nhu cầu khám, điều trị ung bướu cho người dân trên địa bàn Đắk Lắk và các tỉnh lân cận, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện ung bướu tuyến Trung ương. Ngoài những máy móc bổ sung thêm như CT, X-quang, nhũ ảnh, nội soi hiện đại, Trung tâm Ung bướu sẽ được bố trí thêm máy xạ trị và máy xạ hình - hai loại máy lần đầu có tại Tây Nguyên.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án nâng cấp Khoa Ung bướu thành Trung tâm Ung bướu thuộc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Đăng Giáp, trong 5 tỉnh Tây Nguyên, BVĐK vùng Tây Nguyên hiện có giường kế hoạch lớn nhất. Về trung tâm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có Khoa Y dược (Trường Đại học Tây Nguyên), Đại học Y dược Buôn Ma Thuột và các trường cao đẳng, trung cấp y tế.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến 2030 trở thành bệnh viện tuyến bảo đảm chức năng vùng, BVĐK vùng Tây Nguyên phải phát triển thêm các danh mục kỹ thuật.
Ngoài Trung tâm Ung bướu, sắp tới bệnh viện sẽ thành lập Trung tâm Sản nhi, Trung tâm Cấp cứu can thiệp tim mạch, Trung tâm Chấn thương - Phục hồi chức năng… Việc xây dựng các trung tâm này là vô cùng cấp thiết, nhất là đối với bệnh nhân mắc bệnh nặng, cấp cứu bảo đảm “thời gian vàng” cho người bệnh, giảm gánh nặng chi phí điều trị và đi lại cho bệnh nhân và người thân.
Ngoài ra, vấn đề cần quan tâm trong quá trình phát triển mạng lưới y tế là đầu tư cho nguồn nhân lực. Ngoài nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chế độ đãi ngộ, phụ cấp cho nhân lực làm công tác y tế, nhất là đội ngũ cán bộ, y bác sĩ hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong năm 2024, tình trạng “chảy máu chất xám” nguồn nhân lực tại BVĐK vùng Tây Nguyên giảm đáng kể, thu nhập có khuynh hướng tăng dần. Tuy nhiên, về lâu dài, nguồn ngân sách chi trả trực tiếp cho người làm y tế công lập cần được quan tâm thích đáng, bảo đảm tốt nhất môi trường làm việc và thu nhập cho người lao động.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc