Multimedia Đọc Báo in

Linh hoạt và phù hợp chiến lược điều trị bệnh nhân COVID-19 (kỳ cuối)

06:35, 19/08/2021

Vững tâm trong "trận chiến" cam go

Những ngày qua, nhiều bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi và xuất viện, một số bệnh nhân nặng đã qua cơn hiểm nghèo. Đây là một trong những tín hiệu vui trong “trận chiến” với đại dịch COVID-19 của ngành y tế nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Những bệnh nhân vượt qua “cửa tử”

Tính từ đầu đợt dịch thứ tư đến ngày 18-8, trong số 549 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã có 153 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện (chiếm gần 28%). Đây là kết quả rất đáng ghi nhận của ngành Y tế, bởi trong số bệnh nhân ra viện có nhiều trường hợp trước đó đã ở trong tình trạng “thập tử nhất sinh”.

Chẳng hạn như trường hợp bệnh nhân 3836 (SN 1971, ở phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ) nhập viện điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh ngày 15-5-2021. Bệnh nhân nhiễm biến thể Delta dẫn đến tình trạng sức khỏe có những biến chứng bất thường: suy hô hấp, rối loạn đông máu, phải thở máy không xâm nhập, duy trì kháng sinh, chống đông, lọc máu hấp thụ… Theo sát diễn tiến ca bệnh, Sở Y tế lập tức điều động 3 ê kíp bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên kèm theo trang thiết bị máy móc chi viện cho Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân. Khi thấy tình hình sức khỏe bệnh nhân vẫn không có dấu hiệu tốt lên, Sở Y tế tiếp tục xin chi viện một ê kíp từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) cùng tham gia điều trị trong những ngày sau đó. Sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ đã giành lại tính mạng của người bệnh trong “lằn ranh sinh - tử”. Sau 41 ngày điều trị, bệnh nhân 3836 đã khỏe mạnh trở về với gia đình.

Những bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa 333 (huyện Ea Kar) bày tỏ niềm vui khi đã khỏi bệnh và được ra viện.

Hay như trường hợp của bệnh nhân 60373 (SN 1949, ở đường Đào Tấn, TP. Buôn Ma Thuột), vào điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh ngày 18-7-2021. Bệnh nhân tuổi cao, cộng với một số bệnh lý nền, nên quá trình điều trị đặt ra nhiều thách thức với đội ngũ y bác sĩ. Do đó, phác đồ điều trị được thay đổi linh hoạt và theo dõi sát sao các chỉ số về dấu hiệu sinh tồn, nhịp thở. Nhờ đó, qua hơn 20 ngày tích cực điều trị, bệnh nhân đã khỏi bệnh, đủ điều kiện xuất viện.

Vững tin trên hành trình còn nhiều cam go

Trong bối cảnh cả nước đang đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các tỉnh thành trong cả nước chi viện nhân lực hỗ trợ tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, ngành y tế đã chủ động các phương án điều trị bệnh nhân COVID-19 với phương châm “4 tại chỗ” (dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ). Vì thế, dù ở trong điều kiện hết sức khó khăn khi còn thiếu thốn cả về trang thiết bị, máy móc lẫn kinh nghiệm, nhưng đội ngũ y bác sĩ làm công tác điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn luôn nỗ lực không ngừng.

Lối đi riêng dành cho đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.

Tại khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, đội ngũ y bác sĩ đã phải huy động tối đa công suất làm việc. Bác sĩ CKII Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, hiện tại khoa có 16 bác sĩ, 56 điều dưỡng, phải chia ê kíp sao cho vừa đảm nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, vừa đảm bảo công tác điều trị chuyên môn thường quy đối với những bệnh nhân khác. Thời gian qua, song song với công tác điều trị, khoa còn tổ chức đào tạo và đào tạo lại chuyên ngành hồi sức cấp cứu cho đội ngũ nhân lực được chi viện từ các khoa khác của bệnh viện. Nhờ vậy, các ê kíp triển khai công việc khá hiệu quả. Hiện 2 ê kíp của khoa chi viện cho Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh tham gia điều trị và điều trị thành công nhiều ca bệnh COVID-19, trong đó có những ca rất nặng, thậm chí nguy kịch, như hôn mê, suy hô hấp, suy đa tạng, kể cả các “cơn bão cytokine” nặng nề...

Tại Bệnh viện dã chiến số 1, nguồn nhân lực mới được các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố chi viện, song đã sớm tạo thành một khối thống nhất, đoàn kết, nỗ lực gánh vác công việc được giao. Thành quả sau gần 20 ngày bệnh viện đi vào hoạt động, đã có 15 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện về với gia đình. Đó cũng là nguồn cổ vũ to lớn để các y bác sĩ, nhân viên y tế nơi đây thêm sức mạnh để tiếp tục hành trình còn đầy cam go, thử thách...

Kim Hoàng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.