Multimedia Đọc Báo in

Những “nhịp cầu” trong siêu bão COVID-19 (kỳ 2)

08:10, 25/08/2021

Bám sát từng "trận địa"

Cuộc chiến chống “giặc COVID-19" rất gian khổ và còn diễn biến phức tạp. Các lực lượng tham gia chống dịch thực sự là những “chiến sĩ” trên mặt trận “chống giặc” thời bình.

Những "mắt xích" trên "trận địa"

Nơi “đóng quân” của 6 thành viên Ban quản lý khu cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Cư Pui 1 (điểm buôn Khóa, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) là khu vực sân của một nhà dân ngay đối diện điểm trường. Cơ sở vật chất không có gì ngoài hai chiếc bàn nhựa, vài cái ghế, mấy chiếc võng và khẩu trang, nước sát khuẩn nhưng lại là nơi ăn, ngủ của các thành viên ban quản lý trong gần tháng trời.

Suốt thời gian cắm chốt, thực hiện phong tỏa cũng là chừng ấy ngày anh Hoàng Đức Luân, Phó Bí thư Chi bộ buôn Khóa, thành viên Ban quản lý khu cách ly tập trung tại điểm buôn Khóa không về nhà mặc dù nhà anh chỉ cách đây chừng 100 m. Mỗi lần nhớ vợ và hai con nhỏ, anh chỉ dám chạy về, đứng từ xa hỏi vài câu rồi vội đi. “Lần nào về, đứa con 6 tuổi cũng hỏi “Tại sao bố không vào nhà?”, tôi chỉ biết cười và động viên con “Bố còn phải tham gia chống dịch. Khi nào bà con trong buôn mình mạnh khỏe hết thì bố về nhé!”, anh Luân bộc bạch.

Phó Bí thư Chi bộ buôn Khóa (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) Hoàng Đức Luân nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm quy định cách ly tại nhà sau khi điều trị khỏi COVID-19.

Là người sinh sống tại buôn Khóa, anh Luân thông thuộc hết mọi đường ngang, ngõ hẻm, nắm rõ hoàn cảnh của 175 hộ, trên 900 khẩu trong buôn nên trở thành “mắt xích” quan trọng trong cuộc tổng tấn công diệt “giặc COVID-19”. Từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 23-7, anh Luân đã cùng các thành viên ban quản lý, cán bộ y tế và Ban Chỉ đạo xã Cư Pui “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để truy vết các trường hợp đã tiếp xúc với 28 ca dương tính của buôn. Địa bàn rộng, dân số đông, việc truy vết gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài cả tuần, có những ngày lực lượng chức năng phải làm việc xuyên đêm. Nhiều hộ vui vẻ cộng tác nhưng cũng có người cố tình tránh né, anh Luân và các thành viên phải động viên, thậm chí răn đe mới chịu đi khai báo y tế.

Hoàn thành việc truy vết, anh Luân cùng các thành viên ban quản lý lại chạy đôn chạy đáo với hàng tá việc không tên mỗi ngày, nào là giám sát cách ly, kiểm tra thân nhiệt đến cấp gạo, thịt, mắm muối, rau củ, nước uống thậm chí cả củi đun, vật dụng thiết yếu của phụ nữ cho tất cả 41 trường hợp F1 tại khu cách ly tập trung và toàn bộ các hộ trong buôn để bà con yên tâm “nhà ai ở nhà nấy”.

“Thôn, buôn là điểm chốt chặn cuối cùng. Cán bộ cơ sở là cánh tay nối dài của chính quyền. Mình là đảng viên, trưởng thôn mà không lao vào vùng dịch thì sao thắng được “giặc COVID-19” - ông Lê Quang Ý, Trưởng thôn 20, xã Cư Bông, huyện Ea Kar.

Trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19” cam go, nguy hiểm này, việc bám sát từng “trận địa” của đội ngũ cán bộ cơ sở đóng vai trò rất quan trọng. Một trong những “mắt xích” không thể thiếu trong công tác chống dịch tại buôn Khanh (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) là ông Y Theng Mdrang, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng buôn, Tổ trưởng Tổ COVID-19 cộng đồng buôn Khanh.

Lúc chưa có ca dương tính, đều đặn ngày hai lần, ông chở chiếc loa di động đi khắp buôn tuyên truyền, nhắc nhở bà con thực hiện nghiêm quy định 5K, rà soát, nắm bắt các hộ có người đi làm ăn xa. Khi có dịch, buôn thực hiện phong tỏa, ông cùng lực lượng chức năng tham gia truy vết, giám sát, nhắc nhở các hộ có người cách ly tại nhà, tuyên truyền bà con không đi ra ngoài, lập danh sách những hộ khó khăn để xã hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm. Ông Y Theng giãi bày: “Mình đến căng dây cách ly, có người xé bỏ, chửi bới. Mình kiên trì giải thích, phân tích thiệt hơn, họ lại tự lấy dây căng lên. Mình mà sợ khó, sợ khổ, sợ bị nhiễm bệnh thì ai sẽ làm”.

Phối hợp các lực lượng “tác chiến”

Tại những điểm nóng của dịch COVID-19, khi thực hiện phong tỏa thì các điểm chốt chặn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Có rất nhiều cán bộ cơ sở, đảng viên đã tình nguyện tham gia chốt để thực hiện mệnh lệnh, phối hợp “tác chiến”.

Gần 12 giờ trưa, trời nóng như đổ lửa. Tại điểm chốt chặn số 3 của thôn 20 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar), Trưởng thôn 20 Lê Quang Ý cùng các thành viên vẫn trực chốt đầy đủ. Điện thoại của ông đổ chuông liên tục với những cuộc gọi của mạnh thường quân muốn hỗ trợ quà cho các hộ trong khu phong tỏa. Ông Ý hướng dẫn họ chở đến đầu xã, rồi cử hai thành viên của chốt chạy xe máy ra chở về cấp phát cho người dân.

66 tuổi, nghỉ hưu đã vài năm nhưng khi cấp ủy, chính quyền địa phương cần, người dân tín nhiệm, ông Ý lại “vác tù và” từ đầu năm 2020. Ông Ý kể: Vừa chân ướt chân ráo nhận nhiệm vụ thôn trưởng, gặp ngay con vi rút Corona, kẻ thù vô hình rất nguy hiểm nên cần phải phối hợp tất cả các lực lượng để ứng phó. Sau khi thành lập chốt kiểm soát, ông hội ý với thành viên các tổ chức, đoàn thể thành lập thêm tổ xung kích nhằm hỗ trợ người dân khu phong tỏa.

Trưởng thôn 20 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) Lê Quang Ý (bìa trái) trao đổi công tác trực chốt với các thành viên chốt kiểm soát dịch COVID-19.

Trước 7 giờ sáng mỗi ngày, các hộ dân trong khu phong tỏa sẽ đưa tờ giấy có ghi các yêu cầu về nhu yếu phẩm ra trước cổng. Thành viên của chốt gom lại, giao cho các tình nguyện viên của thôn 19 mua giúp rồi đi giao cho từng hộ. Nhiều người đang nấu ăn, bình gas hết, bột ngọt, muối không còn, chỉ một cuộc điện thoại, anh em trực chốt và tình nguyện viên giao đồ đến tận nơi. Tất cả mọi người đều nỗ lực để người dân đỡ khó khăn, thiếu thốn. “Thiếu chi dân cũng gọi đến mình bất kể ngày, đêm. Tôi và các anh em động viên nhau đã nhận làm thì làm cho đến cùng. Gia đình ngăn cản tôi tham gia trực chốt vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng trong cuộc chiến này, mỗi người dân là một chiến sĩ chống giặc, nếu hợp đồng tác chiến tốt thì nhất định thắng lợi”, ông Ý vui vẻ bày tỏ.

Tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), ngay sau khi thôn 6, thôn 7 có ca dương tính với SARS-CoV-2, Thiếu tá Trương Quốc Tuấn, Trưởng Công an xã, Tổ trưởng tổ truy vết đã cùng với các cán bộ công an huyện, y tế đến từng hộ trên địa bàn để ghi nhận lịch sử di chuyển, truy vết những trường hợp tiếp xúc gần với các ca F0. Dịch bệnh ập đến bất ngờ, chưa được trang bị quần áo bảo hộ lại thiếu kinh nghiệm trong điều tra, truy vết, xác định, phân loại các đối tượng liên quan nên lúc đầu anh Tuấn cũng gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và nhất là sau khi được tập huấn nhanh, tổ đã nhanh chóng khoanh vùng, truy vết 32 F0 và 125 F1. Sau một tuần “đóng quân” đã khoanh vùng được ổ dịch tại thôn 6 và thôn 7, anh Tuấn rút về làm nhiệm vụ bảo vệ tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn và 19 điểm chốt chặn của xã. Anh tâm sự rằng, dịch bệnh nguy hiểm, ai cũng sợ lây nhiễm nhưng nếu các lực lượng không phối hợp lao vào tâm dịch thì sao chặn đứng được nguồn lây.

(Còn nữa)

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.