Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Y tế huyện Krông Búk tích cực điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19

08:39, 26/08/2021

Từ khi Trung tâm Y tế huyện Krông Búk chuyển đổi công năng sang tiếp nhận, điều trị người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 của các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ, những y, bác sĩ ở đây đã làm việc hết mình, không kể ngày đêm để giúp các bệnh nhân sớm khỏi bệnh, trở lại cuộc sống bình thường.

Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Trung tâm Y tế huyện đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, đồng thời chia cán bộ, nhân viên y tế làm hai kíp trực.

Ở vòng trong (khu trực tiếp điều trị bệnh nhân) có 16 bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên khử khuẩn và vòng ngoài (khu vực gián tiếp, làm nhiệm vụ hậu cần) có 20 người.

Ở vòng trong, các cán bộ y tế phải đối mặt trực tiếp với nguy cơ nhiễm bệnh, áp lực công việc lớn nên sau mỗi đợt điều trị 14 ngày và cách ly 14 ngày, họ được trở về gia đình (cách ly tại nhà), nghỉ ngơi 7 ngày, sau đó quay lại khu điều trị tiếp tục nhiệm vụ đợt mới.

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Krông Búk phun khử khuẩn khu điều trị bệnh nhân.

Để điều hành bộ máy hoạt động, Trung tâm Y tế huyện đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, nhất là hình thức trao đổi qua hệ thống camera, mạng Zalo. Nhờ đó, tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân được trao đổi trực tuyến ra vòng ngoài và các thông tin chỉ đạo từ Ban lãnh đạo cũng được truyền đạt thường xuyên vào khu điều trị vòng trong. Bên cạnh đó, việc hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ, chuyên gia điều trị tuyến tỉnh cũng thường xuyên được triển khai để kịp thời đưa ra phương pháp điều trị tối ưu nhất cho người bệnh.

Trung tâm Y tế huyện Krông Búk đang điều trị cho  trên 189 bệnh nhân của các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ; đã chữa trị thành công và cho xuất viện 15 bệnh nhân.

Sau một thời gian điều trị, ngày 9-8, bệnh nhân H.M.K. ở xã Cư Klông (huyện Krông Năng) đã khỏi bệnh và xuất viện. Đây là bệnh nhân đầu tiên được xuất viện tại Trung tâm Y tế huyện. Chị H.M.K. chia sẻ: "Lúc biết bị nhiễm COVID-19 tôi rất hoang mang, lo lắng, cứ nghĩ sẽ không sống được. Thật may vì ở đây có đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc tận tình, giúp tôi khỏi bệnh”.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, đến nay Trung tâm Y tế huyện đã điều trị khỏi và lần lượt trao giấy ra viện cho 15 bệnh nhân. Không nén nổi niềm vui mừng, em H.S.P.K. (bệnh nhân số 123609) cho biết, trong những ngày điều trị COVID-19, em đã được các y bác sĩ kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn phơi nắng, tập thể dục thường xuyên. Khi nhận được quyết định xuất viện em mừng lắm”.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Krông Búk làm xét nghiệm cho bệnh nhân đang điều trị COVID-19.

Theo bác sĩ Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, thời gian qua các cán bộ, nhân viên trong khu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân đã nhanh chóng bắt nhịp và vận hành quy trình suôn sẻ, từ việc thực hiện thủ tục hành chính, bố trí khoa phòng, nhân lực trực tiếp khám, điều trị đến bộ phận phục vụ, hậu cần. Đối với đơn vị mới thành lập, đi vào hoạt động đã đảm nhận công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 đây là niềm vui, động lực để mỗi cán bộ, nhân viên Trung tâm tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trung tâm Y tế huyện Krông Búk có quy mô 100 giường bệnh. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân tăng đột biến, Sở Y tế đã bổ sung thêm 100 giường bệnh cho Trung tâm Y tế huyện, nâng công suất điều trị lên 200 giường bệnh.

Để phục vụ cho bệnh nhân điều trị COVID-19, Trung tâm Y tế huyện đang kêu gọi bác sĩ, nhân sự y tế các huyện Ea H’leo, Krông Năng hỗ trợ tham gia chống dịch. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã quyết định kích hoạt khu cách ly tập trung số 2 ở Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Cư Né) với sức chứa 160 giường nhằm tiếp nhận các trường hợp F1 vào cách ly tập trung.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.