Multimedia Đọc Báo in

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi - cha mẹ cần chuẩn bị gì?

21:25, 06/04/2022

Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi không những giúp bảo vệ trẻ mà còn giúp giảm đi sự lây nhiễm trong gia đình, nhất là gia đình có người thân thuộc nhóm nguy cơ cao… Vậy cha mẹ cần chuẩn bị gì trước khi tiêm cho trẻ?

1. Vắc xin giúp bảo vệ trẻ và phòng ngừa lây nhiễm

Vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer đã được WHO chính thức cấp phép tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Vắc xin của Pfizer cũng được Cơ quan Quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan Quản lý dược châu Âu (EMA) phê duyệt sử dụng. Đến nay có hơn 60 quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Ngày 1/3/2022, Bộ Y tế đã đánh giá vắc xin Pfizer-BioNTech/Comirnaty COVID-19 là an toàn và đã phê duyệt tiêm chủng vắc xin này nhằm ngăn ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến 11 tuổi theo quyết định số 457/QĐ-BYT.

Ở trẻ lứa tuổi 5-11 khi mắc COVID-19 thường ít có triệu chứng và triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên, các di chứng hậu COVID-19, trong đó có hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) gây ra tình trạng viêm khắp cơ thể trẻ, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng lớn của trẻ, khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc tiêm vắc xin không những giúp bảo vệ trẻ mà còn giúp giảm đi sự lây nhiễm trong gia đình, nhất là gia đình có người thân thuộc nhóm nguy cơ cao. Đồng thời, tiêm vắc xin cũng giúp trẻ có thể tự tin, thoải mái tham gia các hoạt động ngoài trời…

Việc tiêm vắc xin không những giúp bảo vệ trẻ mà còn giúp giảm đi sự lây nhiễm trong gia đình.
Việc tiêm vắc xin không những giúp bảo vệ trẻ mà còn giúp giảm đi sự lây nhiễm trong gia đình.

Ngoài ra, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi có tác dụng phụ thường nhẹ hoặc trung bình và hết trong vài ngày. Các tác dụng phụ nghiêm trọng (như phản ứng dị ứng nghiêm trọng và viêm cơ tim hay viêm màng ngoài tim…) là rất hiếm.

Lợi ích của tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi đã được đánh giá là lớn hơn nguy cơ. Do đó, khuyến cáo trẻ em từ 5 tuổi trở lên nên tiêm chủng.

2. Tầm soát trước khi tiêm

Trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, nên chuẩn bị những câu trả lời để khám tầm soát trước tiêm:

- Trẻ có bị dị ứng không?

- Trẻ đã bị viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim?

- Trẻ bị sốt?

- Trẻ có bị rối loạn đông máu
?

- Trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng một loại thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hệ thống?

- Trẻ đã được tiêm vắc xin khác?

- Trẻ đã từng ngất xỉu liên quan đến tiêm thuốc?

Cha mẹ cần cung cấp đầy đủ các thông tin nếu trẻ có một hoặc nhiều tình trạng sức khỏe trên. Điều này giúp bác sĩ có thông tin để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi tiêm phòng.

3. Cần chuẩn bị gì cho trẻ trước khi tiêm?

Trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi, cha mẹ nên:

- Giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của tiêm vắc xin COVID-19.

- Nên cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ sớm trước ngày tiêm.

- Cho trẻ ăn nhẹ trước tiêm, không để trẻ bị đói khi đi tiêm.

- Có thể cho trẻ ăn hoa quả, uống đủ nước (sữa hoặc nước trái cây, nước dừa…).

- Có thể cho trẻ uống vitamin C trước tiêm.

- Cho trẻ mặc quần áo rộng, thoáng mát.

- Không cần trì hoãn lịch tiêm chủng các loại vắc xin khác. Nên mang theo sổ tiêm chủng của trẻ.

- Không nên dừng các thuốc trị bệnh mà trẻ đang uống.

- Ghi nhớ các loại thuốc trẻ đang dùng.

- Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm.

- Khai báo y tế trước khi đến điểm tiêm theo quy định.

- Đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng lịch đã được đăng ký.

- Thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, luôn đeo khẩu trang, rửa tay sạch, giữ khoảng cách an toàn và thực hiện đầy đủ các quy định tại điểm tiêm.

Theo Sức khỏe và Đời sống
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.