Multimedia Đọc Báo in

Không để “xã, phường, thị trấn trắng” trong tuyển quân năm 2022

10:56, 08/09/2021

Ngày 6-9-2021, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (gọi tắt là công tác tuyển quân) năm 2022.

Trong năm 2021, công tác tuyển quân của tỉnh được triển khai thực hiện trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, tuy vậy, đã hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân, đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ đúng quy định của pháp luật. 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, khắc phục những thiếu sót, hạn chế, hoàn thành nhiệm vụ tuyển quân năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Hội đồng nghĩa vụ quân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức quán triệt, phổ biến và chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật Công an nhân dân năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các bước trong quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, như: đăng ký, quản lý, rà soát nguồn, sơ tuyển, khám tuyển, bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ, công bằng, đúng pháp luật… 

th
Thanh niên Buôn Ma Thuột hăng hái lên đường nhập ngũ. (Ảnh minh họa)

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Cơ quan Thường trực Hội đồng nghĩa vụ quân sự tỉnh) căn cứ Quyết định giao chỉ tiêu tuyển quân, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự tỉnh, hướng dẫn cụ thể về nội dung, quy trình thực hiện nhiệm vụ tuyển quân theo đúng Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân và các văn bản hướng dẫn thi hành. Phân bổ hợp lý chỉ tiêu và hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị nhận quân về tiêu chuẩn, số lượng, địa điểm và phương pháp giao, nhận quân…

Công an tỉnh tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn việc tuyển chọn về số lượng, chất lượng theo đúng Luật Công an nhân dân và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức đưa công dân nhập ngũ vào các đơn vị Công an nhân dân đến địa điểm dự lễ giao, nhận quân theo kế hoạch; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, chỉ đạo cơ sở xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân theo đúng quy định.

Sở Y tế chỉ đạo các Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện Đa khoa các huyện, thị xã, thành phố kịp thời kiện toàn đủ số lượng, đúng thành phần Hội đồng khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự; huy động đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, địa điểm tổ chức khám phù hợp đảm bảo chất lượng; tổ chức sơ tuyển, khám tuyển sức khoẻ cho công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ; chịu trách nhiệm về kết quả khám sức khỏe cho công dân nhập ngũ; kiên quyết không để xảy ra sai sót phải bù đổi vì lý do sức khỏe. 

UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tuyển quân “tròn khâu”; quán triệt phương châm tuyển đủ số lượng, nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ tuyển chọn và gọi nhập ngũ vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, công dân là đảng viên, công dân có sức khỏe loại 1, loại 2, công dân đang làm việc tại các cơ quan đảng, nhà nước; công dân là con của cán bộ công chức, viên chức các cấp… bảo đảm chất lượng, tuyển người nào chắc người đó, hạn chế thấp nhất bù đổi, loại trả. 

Giao chỉ tiêu tuyển quân hợp lý, gắn với địa bàn động viên và tạo nguồn cán bộ cơ sở đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, không để “xã, phường, thị trấn trắng” trong tuyển quân. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.

Thường xuyên làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, công tác tuyên truyền, vận động, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho công dân lên đường nhập ngũ và gia đình các thân nhân có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức tốt lễ đón nhận quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng nhất là Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm tạo điều kiện, giải quyết chính sách việc làm cho quân nhân xuất ngũ….

 

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.