Trên những nẻo đường biên... (Kỳ 2)
Kỳ 2: Bền lòng bám chốt
Kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, các chiến sĩ quân hàm xanh kiên cường bám trụ trên tuyến đầu, đối mặt với muôn vàn gian khó, chỉ biết gửi nỗi nhớ về hậu phương qua lời hẹn ước hết dịch sẽ đoàn tụ, sum vầy…
Hoa vàng, cỏ xanh trên chốt
Trở về Chốt kiểm soát phòng dịch Đồn Biên phòng Bo Heng sau ca tuần tra, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Y Long Knul (Trợ lý dân quân tự vệ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Súp) cùng đồng đội chuẩn bị bữa tối trước khi mặt trời xuống núi. Bên bếp củi đang đượm lửa, các anh vừa rôm rả chuyện trò, vừa thoăn thoắt thổi cơm, chắt chiu từng can nước sạch để sơ chế, nấu nướng thức ăn. Nước dùng này được chở từ Đồn, cách điểm chốt 7 km.
Xây dựng nơi ở xanh - sạch - đẹp tại Chốt phòng dịch Đồn Biên phòng Sêrêpốk. |
Thiếu điện, thiếu nước sạch gần như là khó khăn chung của các chốt kiểm soát phòng dịch. Tận dụng mưa xuống, các anh trữ được một ít nước để dùng, còn khi nắng hạn thì hầu như phải về đơn vị gom chở từng can 20 lít. Cũng có những chốt ở ngay cạnh sông suối, hoặc đã khoan được giếng nhưng vì nguồn nước bị nhiễm phèn, đá vôi, nên chỉ dùng được cho sinh hoạt, tưới cây.
Ở nơi không có điện lưới, các anh sử dụng năng lượng mặt trời để thắp sáng, sạc pin. Vì nguồn điện yếu nên không thể dùng cho những việc tưởng chừng rất giản đơn như nấu cơm, quạt điện, xem ti vi…
Xa nhà, có những mong muốn rất đỗi bình thường như sóng điện thoại mạnh để tiện gọi điện thăm hỏi người thân nhưng không thể, bởi nơi trú quân mạng di động chập chờn, kết nối chậm. Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sêrêpốk bộc bạch: “Có những trường hợp gia đình cần liên lạc gấp, nhưng vì không có sóng, nên anh em nhận thông tin rất chậm. Thiệt thòi hơn là khu vực đóng quân không có mạng 3G, 4G, lắm lúc muốn chuyện trò, nhìn mặt vợ con qua màn hình, bộ đội phải di chuyển cách chốt vài cây số để dò sóng”.
Bám trụ giữa gian khó, thiếu thốn, các anh chủ động tìm cách thích ứng, cải tạo không gian chốt trở nên gần gũi, yên bình. Những vạt cỏ lạc xanh mướt điểm hoa vàng, những con đường hoa khoe sắc cùng hệ thống tăng gia sản xuất, chăn nuôi đều từ chính bàn tay người lính gây dựng. Đúng như lời Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sêrêpốk chia sẻ: “Nơi nào có bộ đội đóng quân, nơi ấy có hoạt động tăng gia, xây dựng doanh trại, cảnh quan xanh – sạch – đẹp”.
Những hy sinh thầm lặng
Cũng như nhiều lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, suốt mấy tháng qua, hầu hết cán bộ, chiến sĩ trên biên giới chưa thể về thăm nhà. Đằng đẵng xa nhà giữa thời bình, có những hy sinh lặng thầm mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu.
Thiếu tá Lê Xuân Xanh (Ban Tác huấn, Phòng Tham mưu) xung phong tăng cường lên biên giới từ ngày 1-7. Anh lên tuyến đầu, vợ anh ở nhà gồng gánh mọi việc lớn nhỏ, chăm nom hai đứa con 6 tuổi và 4 tuổi. Đầu tháng 9, trong lần làm vườn, chị không may bị ngã gãy xương sườn. Nhận tin, lòng anh đau thắt, nhưng không thể rời vị trí làm nhiệm vụ vì dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường.
Trung úy Nông Văn Lợi tham gia trực chốt nơi tuyến đầu. |
Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh
|
Cũng vì dịch bệnh, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nông Văn Lợi (Đồn Biên phòng Ia R’vê) nửa năm nay chưa thể về thăm nhà. Khi bố vợ qua đời, anh cũng chỉ có thể thắp nén nhang bái vọng từ xa. Gia đình cũng chia sẻ, cảm thông, động viên anh yên tâm làm nhiệm vụ, mong nhanh hết dịch bệnh để sớm trở về.
Trên biên giới hun hút gió ngàn, tại các chốt còn có rất nhiều trường hợp cả hai vợ chồng cùng xông pha chống "giặc" COVID-19. Đó là vợ chồng Thiếu tá Bùi Xuân Khoa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Yok M’Bre; Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sêrêpốk… Chồng bám trụ vùng biên, vợ là cán bộ y tế cũng vào tuyến đầu cùng đồng nghiệp ngày đêm chống dịch.
Dãi dầu mưa nắng biên cương có rất nhiều người lính trẻ tràn đầy nhiệt huyết, người vừa mới lập gia đình, người đang chuẩn bị kết hôn cũng đều hy sinh lợi ích riêng tư để lên tuyến đầu. Chốt trưởng Đồn Biên phòng Ia R’vê, Trung úy Y Bun Tiên H’wing (SN 1994) tâm sự rằng, anh và người yêu dự định làm lễ cưới vào cuối năm nay, nhưng nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì sẽ tạm gác lại hạnh phúc lứa đôi để làm tròn nhiệm vụ của người lính biên phòng giữa những tháng ngày đại dịch...
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Tiếp sức cho tuyến đầu
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc