Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa tình không biên giới

09:32, 06/02/2022

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Campuchia nói chung và lực lượng vũ trang hai tỉnh Đắk Lắk - Mondulkiri nói riêng vẫn giữ vững tinh thần đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi.

Có hẹn từ trước, một ngày cuối năm, đoàn công tác của Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk (Bộ đội Biên phòng tỉnh) và Đồn Cảnh sát Bảo vệ biên giới Mê Ruch của nước bạn Campuchia gặp nhau tại cột mốc biên giới. Dù tuân thủ quy định phòng dịch COVID-19, nhưng cán bộ, chiến sĩ hai lực lượng vẫn nhận ra nhau đằng sau lớp khẩu trang.

Cuộc trò chuyện sau đó diễn ra nhanh hơn lệ thường nhưng cũng đủ cho hai bên nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thống nhất các giải pháp ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép; tuần tra, bảo vệ biên giới…

Với sự chân thành, Thiếu tá Phan Huy Dương, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk hướng về phía bạn nói: “Đơn vị không có nhiều, gửi tặng các anh một số nhu yếu phẩm. Cần gì, các anh cứ gọi điện, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ hết mình”…

Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng nhu yếu phẩm và vật tư y tế cho lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Mondulkiri vào hồi tháng 5/2021.

Được giao nhiệm vụ quản lý đường biên dài 73 km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia), Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk luôn phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn hoàn thành tốt trọng trách được giao phó. Giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, hai bên vẫn thường hỗ trợ, giúp đỡ nhau cả về vật chất lẫn tinh thần. Hiểu rằng vật tư y tế, nhu yếu phẩm là rất cần thiết trong công tác phòng dịch, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động nguồn lực, triển khai nhiều đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà giúp bạn có thêm điều kiện chống dịch hiệu quả. Chỉ riêng năm 2021, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế cho lực lượng vũ trang tỉnh Mondulkiri với tổng trị giá khoảng 660 triệu đồng.

Phát huy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, Bộ đội Biên phòng tỉnh để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trên đất bạn Campuchia. Các anh quan tâm, thăm hỏi mỗi dịp lễ, Tết, bão lụt thiên tai; sẵn sàng hỗ trợ vật chất, tinh thần, khám chữa bệnh miễn phí khi bạn cần; nhiệt thành tham mưu xây dựng hệ thống đường điện thắp sáng trên đất bạn…

Nhắc lại trận lũ kinh hoàng giữa năm 2019, Đại úy Sơ Kết, Phó đồn trưởng Đồn Cảnh sát Bảo vệ biên giới Mê Ruch không thể quên khi bày tỏ: “Thời điểm ấy, nước sông lên nhanh, bất ngờ khiến đồ đạc, khu doanh trại ngập sâu trong lũ lớn. Có 6 quân nhân và 2 người dân ở đồn đang vô cùng lo lắng, thì bộ đội Việt Nam đã xuất hiện. Bất chấp nguy hiểm, họ đã đưa chúng tôi đi đến khu vực an toàn; sau đó tiếp tục hỗ trợ nơi ăn ở, khám sức khỏe ân cần, chu đáo. Biết Đồn Mê Ruch thiệt hại nhiều, bộ đội Việt Nam tiếp tục cử người qua khắc phục hậu quả; chính quyền địa phương huyện Buôn Đôn cũng đã có những hỗ trợ nhu yếu phẩm rất kịp thời”.

Đại điện Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk (bên phải) tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Mê Ruch.

Cùng vượt qua khó khăn, nghĩa tình không biên giới giữa hai lực lượng như càng được khắc sâu. Đại úy Sơ Kết cho hay, đến nay, mỗi khi lũ lụt dâng cao, bộ đội Việt Nam vẫn luôn quan tâm, hỗ trợ kịp thời lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia bằng sự nhiệt thành và hết mình.

Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ, những năm qua, lực lượng vũ trang bảo vệ biên giới giữa hai nước đã tiếp nối truyền thống hữu nghị bằng nhiều chương trình, hoạt động thiết thực. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc trao đổi công việc giữa lực lượng vũ trang hai nước chuyển qua điện thoại, thư gửi, hạn chế gặp trực tiếp và khi gặp luôn giữ khoảng cách an toàn. Phương thức làm việc dẫu có khác nhau nhưng chất lượng, nội dung vẫn bảo đảm hiệu quả và tình cảm giữa hai lực lượng vẫn luôn được vun đắp tốt đẹp.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.