Trưởng thành dưới "mái nhà chung”
Mặc cái nắng chói chang của mùa khô Tây Nguyên, trên thao trường, bãi tập, các chiến sĩ mới Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 95, Sư đoàn 2) vẫn hăng say, tích cực luyện rèn.
Trẻ trung, năng động, vui vẻ, hòa đồng, sau 3 tuần nhập ngũ, trong “mái nhà chung” thắm tình đồng đội, các chiến sĩ mới đã dần bắt nhịp, làm quen với tác phong sinh hoạt nền nếp, chính quy, kỷ luật, tự giác và trưởng thành, tiến bộ từng ngày.
Đến Tiểu đoàn 8 trong những ngày đầu tháng ba, chúng tôi thật sự ấn tượng trước khí thế thi đua, luyện quân sôi nổi của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Giờ huấn luyện điều lệnh đội ngũ, nghe trung đội trưởng gọi tên mình, chiến sĩ Trương Hòa Bình (Đại đội 8) nhanh chóng chỉnh đốn trang phục, tự tin bước ra khỏi hàng, thực hiện động tác đi đều, đứng lại, đổi chân trong khi đi. Bình chia sẻ: “Mấy hôm đầu, do chưa quen, tôi thường xuyên mắc lỗi đi cùng tay, cùng chân. Được trung đội trưởng, tiểu đội trưởng kèm cặp, giúp đỡ, tôi đã tiến bộ lên rất nhiều”.
Chiến sĩ mới Tiểu đoàn 8 lau chùi, bảo quản vũ khí trang bị sau giờ huấn luyện. |
Là cử nhân đại học, chuyên ngành cơ điện tử, thư sinh, trắng trẻo, đẹp trai, chiến sĩ Huỳnh Hồ Hải (Đại đội 8) tạo ấn tượng đậm nét với đồng đội bởi khả năng nhận thức, tư duy tốt, luôn khiêm tốn, cầu thị, tích cực xung phong phát biểu xây dựng bài, sẵn lòng giúp đỡ mọi người xung quanh. Tuy nhiên, do chưa quen với nắng gió thao trường nên những ngày đầu học điều lệnh đội ngũ và các động tác đứng, nằm, quỳ bắn súng tiểu liên AK dưới trời nắng nóng, Hải thường bị xuống sức, hoa mắt, chóng mặt. Nhờ các bài tập bổ trợ mà Đại úy Phạm Văn Hợi, đại đội trưởng trực tiếp hướng dẫn, kèm cặp, dần dần nền tảng thể lực của Hải đã cải thiện rõ rệt. Để nâng cao sức khỏe, sức bền, chiều nào anh cũng chạy bộ, đánh xà, tập tạ, chơi bóng chuyền cùng đồng đội.
Lần đầu tham gia huấn luyện, quản lý chiến sĩ mới, Thiếu úy Trần Hoàng Hiếu (Đại đội 6) được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đánh giá cao bởi phương pháp, tác phong công tác khoa học, luôn sâu sát, tỉ mỉ, trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc. Với những kiến thức được trang bị từ nhà trường, quá trình huấn luyện, giảng bài, anh thường xuyên gợi mở, tạo điều kiện để bộ đội phát huy tốt tính sáng tạo, khả năng tư duy và tinh thần đồng đội. Phần nào bộ đội chưa hiểu, chưa rõ, anh đều tận tình giảng giải, phân tích thêm. Nhờ vậy, khi tham gia hội thao tháo lắp súng tiểu liên AK, các động tác nghiêm, nghỉ, chào báo cáo, 4 bài thể dục tay không, gấp chăn màn, hát các bài quy định, khiêu vũ tập thể, kiểm tra nhận thức chính trị sau từng buổi học…, trung đội của anh luôn đứng ở top đầu.
Đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Đại đội 6 tham gia đêm giao lưu "Thắm tình đồng đội". |
Chiến sĩ A Nhuêl năm nay 22 tuổi là người dân tộc Xê đăng, nhà ở tỉnh Kon Tum, đã có vợ và một con gái nhỏ. Tối đầu tiên về đơn vị, biết A Nhuêl nhớ vợ, sau giờ đọc báo, xem thời sự, Thượng úy Y Zôn Niê, Chính trị viên Đại đội 6 mời A Nhuêl lên phòng nói chuyện, động viên, rồi bấm máy để anh gọi về thăm gia đình, thông tin địa chỉ, hòm thư. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, đơn vị còn gửi thư, thiệp chúc mừng, qua đó thông tin khái quát kết quả học tập, công tác của A Nhuêl để vợ con anh phấn khởi, yên tâm. Sự quan tâm, động viên kịp thời của cấp ủy, chỉ huy đơn vị giúp A Nhuêl luôn yên tâm tư tưởng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thương vợ tảo tần, vất vả, phụ cấp tháng đầu tiên, anh nhờ trung đội trưởng gửi cả về nhà.
Trong đêm giao lưu “Thắm tình đồng đội” do Chi đoàn Đại đội 6 tổ chức, chiến sĩ Đinh Văn Mỏi rất bất ngờ, xúc động khi được trò chuyện với bố mẹ, anh chị em và người vợ mới cưới qua “cầu truyền hình trực tiếp” nối từ điện thoại thông minh sang màn hình ti vi khổ lớn, đặt ở trung tâm sân khấu. Những lời dặn dò, động viên của hậu phương là hành trang, động lực để anh và đồng đội tự tin vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong khóa huấn luyện lần này. Đêm ấy, 8 chiến sĩ có sinh nhật trong tháng 3 cũng được mời lên sân khấu để giao lưu, ca hát, đón nhận những phần quà, lời chúc do tập thể chi đoàn và các đoàn viên, thanh niên gửi tặng.
Theo nhận xét của Thiếu tá Phạm Xuân Thùy, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 8, các chiến sĩ mới luôn yên tâm tư tưởng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tự học, tự rèn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị và các thành viên Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân thường xuyên gần gũi, đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ họ vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu. Trung bình mỗi tuần, các chiến sĩ đều được gọi điện thoại về thăm nhà từ 2 - 3 lần, mỗi lần từ 10 - 15 phút. Hằng tháng, các đại đội đều duy trì thành nền nếp mô hình “Thư gửi hậu phương”, tạo kênh thông tin, kết nối đơn vị với cấp ủy, chính quyền địa phương và thân nhân, gia đình bộ đội. Nhiều chiến sĩ trẻ tâm sự, họ cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi được khoác trên mình màu xanh áo lính.
Trọng Khang
Ý kiến bạn đọc