Multimedia Đọc Báo in

“Thư gửi hậu phương” - món quà của lính

07:40, 10/05/2022

Để chiến sĩ mới luôn yên tâm tư tưởng, gắn bó dựng xây đơn vị và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đều đặn mỗi tháng một lần, cấp ủy, chỉ huy các đại đội thuộc Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 95, Sư đoàn 2, Quân khu 5) lại tổ chức viết thư thăm hỏi, thông tin kết quả học tập, rèn luyện của các tân binh gửi về cho thân nhân, gia đình. Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mô hình “Thư gửi hậu phương” càng trở nên ý nghĩa hơn.

Năm 2022, Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 95) tiếp nhận, quản lý gần 1.000 tân binh, là con em các dân tộc trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên về học tập, công tác. Ngoài việc phát huy vai trò của các tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân, mô hình “Thư gửi hậu phương” đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm và giải quyết tốt tình hình tư tưởng bộ đội, giúp các chiến sĩ mới từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách, không ngừng phấn đấu, vươn lên. Nhiều chiến sĩ trước đây chưa từng viết thư, được cán bộ đơn vị tận tình hướng dẫn, đã viết được những lá thư rất hay gửi tặng gia đình, người yêu. Mỗi lần nhận được thư tay hồi âm, ai cũng vui và phấn khởi.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 95 quây quần đọc thư nhà.

Từ ngày con trai đi bộ đội, niềm vui của vợ chồng ông A Nhai (44 tuổi, trú thôn 2, xã Đắk Kôi, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) chính là những lá thư tay gửi về từ “tiền tuyến”. Khoe hai bức thư còn thơm mùi mực mới được cất giữ cẩn thận trong ngăn tủ, ông A Nhai kể: “Gia cảnh khó khăn, vợ chưa có việc làm, con trai còn nhỏ nhưng thằng A Nhuên nhà tôi vẫn viết đơn xung phong đi bộ đội đấy. Nhận được thư do các cán bộ Đại đội 6 (Tiểu đoàn 8) gửi về, biết nó vẫn khỏe và tích cực, tự giác luyện rèn, lại còn được tặng cả hoa bắn giỏi, vợ chồng tôi mừng lắm. Các anh ấy còn kể, mỗi lần nhận phụ cấp, A Nhuên đều trích lại một phần nhờ cán bộ Đại đội gửi vào tài khoản ngân hàng để sau này ra quân, lấy tiền đó học nghề, mua xe máy”. Nói rồi, ông quay sang đứa cháu nội tên là A Nhân, âu yếm dặn dò: “Bố thằng A Nhân là thông minh, sáng dạ, dũng cảm nhất nhì cái làng này đấy. A Nhân phải hay ăn, chóng lớn, chăm ngoan, học giỏi để còn đi bộ đội, được nhận hoa bắn giỏi giống bố A Nhuên nghe chưa”.

Chỉ lên bức ảnh đặt ở đầu giường chụp 6 chiến sĩ của Tiểu đoàn 8 vừa được chỉ huy Trung đoàn 95 biểu dương trong lễ chào cờ đầu tháng 4 của đơn vị, chị  Chung (vợ của chiến sĩ A Nhuên) tiếp lời: “Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, tôi đang ở trên rẫy thì thấy mẹ chồng đạp xe đến tận nơi thông báo có thư và ảnh của A Nhuên do chỉ huy đơn vị gửi về. Tôi vui quá, ngồi đọc chăm chú từng dòng chữ một. Anh ấy nói, cấp Trung đoàn chào cờ mỗi tháng một lần, ai xuất sắc lắm mới được biểu dương, chụp ảnh lưu niệm đấy. A Nhuên là niềm tự hào của cả gia đình”.

Chiến sĩ mới Trung đoàn 95 trong giờ giải lao.

Binh nhì Huỳnh Hồ Hải (Đại đội 8) là người khiêm tốn và khá kiệm lời. Mỗi lần viết thư, gọi điện về nhà, ngoài chuyện hỏi thăm tình hình sức khỏe mọi người, chẳng mấy khi anh kể về những vất vả, khó khăn trong môi trường quân ngũ. Thế nhưng, qua “Thư gửi hậu phương”, cả nhà vẫn biết anh là một trong những chiến sĩ gấp chăn vuông, đi điều lệnh đẹp và bắn súng AK giỏi nhất của Đại đội 8, nhiều lần được tiểu đoàn, trung đoàn biểu dương trước cờ.

Gần 2 tuần nay, mỗi lần có khách quý đến thăm, ông  La O Y Luận (trú thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) lại lấy lá thư của Ban Chỉ huy Đại đội 6 gửi về, hồ hởi khoe: “Các anh ấy chu đáo lắm. Mỗi lần viết thư đều thăm hỏi xem khi trái gió, trở trời, căn bệnh đau lưng của tôi có tái phát không? Con trai của La O Y Lê (chiến sĩ mới công tác tại Đại đội 6) đã biết bò, biết lật chưa, đêm ngủ còn hay quấy khóc không? Hôm vừa rồi, biết khu vực gia đình tôi sinh sống bị mưa to, ngập úng, các anh cũng viết thư, gọi điện thăm hỏi, động viên. Nghe các anh nói do điều kiện xa xôi, cách trở nên không thể về thăm hay hỗ trợ, giúp đỡ được gì, chỉ mong gia đình luôn may mắn, bình an, tôi xúc động đến rơi nước mắt. Thấy con trai tiến bộ, trưởng thành, lại có chỉ huy cấp trên và anh em đồng chí, đồng đội gần gũi, gắn bó như anh em trong gia đình, tôi vui lắm”.

Được biết, trên cơ sở nhận xét, đánh giá của đội ngũ cán bộ tiểu đội, trung đội, mỗi tháng một lần, ban chỉ huy các đại đội đều tổ chức viết thư, thông tin khái quát kết quả học tập, rèn luyện, phấn đấu của chiến sĩ mới, gửi về cho gia đình của họ. Những trường hợp đặc biệt, chỉ huy tiểu đoàn sẽ trực tiếp viết thư để động viên, chia sẻ, trao đổi thông tin. Đại úy Vũ Bá Ban, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 9 cho biết: “Tuy các gia đình tuần nào cũng được trò chuyện với con em mình qua điện thoại từ 2 - 3 lần, song qua tìm hiểu, nắm bắt, chúng tôi nhận thấy thân nhân gia đình bộ đội đều rất vui và xúc động khi nhận được thư của cán bộ, chỉ huy đơn vị và các chiến sĩ gửi về. Nhiều phụ huynh cũng thường xuyên viết thư, gọi điện cho chúng tôi để chuyện trò, chia sẻ thông tin. Những bức thư tay thực sự là nhịp cầu gắn kết, giúp chiến sĩ mới luôn yên tâm học tập, công tác”.

                                Thuận An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.