Multimedia Đọc Báo in

Bộ đội Biên phòng tỉnh: Phát huy vai trò cán bộ dân tộc thiểu số

06:53, 28/11/2023

Sinh ra từ các buôn làng, nên các cán bộ người dân tộc thiểu số đang công tác trong bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh khá am hiểu đời sống nhân dân.

Các anh được xem là những “nhịp cầu” quan trọng, góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với dân; tạo động lực giúp dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Thượng úy Y Thân Niê (dân tộc Êđê, Đồn Biên phòng Yok M’Bre) là một trong 5 gương mặt trẻ tiêu biểu của BĐBP Đắk Lắk năm 2023. Anh gây ấn tượng với mọi người bởi sự chững chạc, trưởng thành và đầy trách nhiệm trong công việc.

Trên cương vị là Đội trưởng đội vũ trang, Y Thân Niê luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, trách nhiệm của người đội trưởng đối với mọi hoạt động, sự phát triển vững mạnh của tập thể. Y Thân tích cực động viên, làm gương để tập thể đội nêu cao tinh thần luyện tập, rèn luyện thành thục các kỹ năng, động tác kỹ chiến thuật, đảm bảo phục vụ tốt cho nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ biên giới. Anh cùng đội và toàn đơn vị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch công tác biên phòng năm 2023, kế hoạch công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua khen thưởng.

Tích cực tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Thượng úy Y Thân Niê thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, ban chỉ huy đơn vị tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ làm tốt công tác tuần tra, mật phục, đấu tranh phòng, chống hoạt động vượt biên trái phép của các loại đối tượng. Dù mới về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Yok M’Bre, song bản thân anh đã tham gia hàng chục lượt tuần tra, kiểm soát biên giới với tinh thần cảnh giác, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

Trung úy Y Tuấn Niê (giữa) cùng đồng đội tham gia Hội thi Dân vận khéo trong lực lượng biên phòng tỉnh.

Là cán bộ trẻ nhất Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, Trung úy Y Tuấn Niê (SN 1995) được xem là “chân ướt, chân ráo” về đơn vị, bởi mới nhận nhiệm vụ chưa đầy một năm. Tuy vậy, anh đã để lại nhiều dấu ấn trong đơn vị, địa bàn công tác bởi sự nhanh nhạy, nhiệt huyết.

Là Bí thư Chi đoàn Đại đội Huấn luyện, Y Tuấn Niê thường xuyên khuấy động phong trào đoàn, tập hợp bộ đội bằng cách tạo các sân chơi bổ ích vào những ngày lễ, dịp cuối tuần. Với phong cách gần gũi, anh truyền sự yêu thương, nhiệt huyết cho bộ đội bằng cách tham gia trực tiếp, vui chơi cùng chiến sĩ trong giao lưu văn nghệ, chơi trò chơi, thể dục thể thao… Y Tuấn Niê cũng cùng đơn vị tập luyện, tham gia nhiều hội diễn, hội thi cấp huyện, cấp tỉnh, qua đó đạt nhiều giải thưởng.

Với vai trò là Trung đội trưởng, anh luôn dành thời gian để gần gũi và động viên, lắng nghe sẻ chia của bộ đội. Trung úy Y Tuấn Niê luôn bám nắm hoàn cảnh, sở trường, tính cách, năng lực của từng chiến sĩ để có phương pháp huấn luyện, quản lý phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, với những chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, anh thường xuyên thăm hỏi, động viên; dành nhiều thời gian cho bộ đội liên lạc, thăm hỏi gia đình. Nhờ đó, giúp bộ đội thêm vững tư tưởng, yên tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ…

Cán bộ người dân tộc thiểu số cùng đồng đội tuần tra, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều cán bộ tiêu biểu là người dân tộc thiểu số đang công tác tại BĐBP tỉnh. Theo thống kê của lực lượng, hiện nay, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số đạt 22,6%, vượt chỉ tiêu nghị quyết các cấp đề ra. Cụ thể, Nghị quyết số 01-NQ/ĐU, ngày 12/8/2020 của Đảng bộ BĐBP Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định cán bộ là người dân tộc thiểu số đạt trên 14%; Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 19/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số toàn tỉnh chiếm 13,2%; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BĐBP tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định là từ 22% trở lên.

Trong giai đoạn 2016 - 2022, BĐBP tỉnh đã tạo điều kiện, gửi đi học cử tuyển 7 đồng chí là người dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ phục vụ lâu dài trong quân đội; phát triển 49 đảng viên mới là chiến sĩ dân tộc thiểu số, góp phần tạo nguồn cán bộ địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự; sắp xếp, bố trí nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số đảm nhiệm các chức vụ trong Đảng ủy, chủ trì đơn vị.

Theo đánh giá của BĐBP tỉnh, các cán bộ người dân tộc thiểu số dù công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, hay đảm nhiệm chức vụ, công việc nào cũng đều nêu cao tinh thần, trách nhiệm. Các anh tích cực tham gia củng cố cơ sở chính trị, giúp dân phát triển kinh tế - văn hóa, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu; góp sức giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Chính ủy BĐBP tỉnh chia sẻ, việc đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò cán bộ người dân tộc thiểu số được đơn vị thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài. Cùng với đó là thực hiện tốt chế độ chính sách, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần nhằm tiếp thêm động lực giúp cán bộ nỗ lực vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.