Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ dân tộc thiểu số cấp xã

07:01, 17/08/2021

Thời gian qua, công tác đào tạo lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) đã được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Thống kê trong 5 năm (2015 - 2020), toàn tỉnh đã tổ chức 163 lớp về lý luận chính trị cho 13.960 học viên, trong đó có 2.510 học viên là người DTTS. Riêng Trung cấp lý luận chính trị - hành chính có 81 lớp với 5.935 học viên, trong đó 818 học viên là người DTTS.

Công tác giảng dạy về lý luận chính trị - hành chính của Trường Chính trị tỉnh cũng có nhiều đổi mới, phát triển, phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng người học; nội dung, chương trình luôn đươc cập nhật; đội ngũ giảng viên đảm bảo về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác giảng dạy đã được cải thiện đáng kể, bảo đảm yêu cầu phục vụ, mở lớp hằng năm.

Tuyên dương các học viên tiêu biểu của lớp Trung cấp lý luận - hành chính khóa 2019 - 2020 tại huyện Krông Pắc. Ảnh: Thanh Hường

Qua đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã người DTTS đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều cán bộ lãnh đạo trẻ được đào tạo bài bản, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm, trở thành nòng cốt trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; là những nhân tố tích cực trong tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các địa phương, nhất là đồng bào DTTS về xóa đói, giảm nghèo, tổ chức xây dựng cuộc sống nông thôn mới...

Phần lớn cán bộ, lãnh đạo cấp xã là người DTTS sau khi được đào tạo đã có nhận thức chính trị vững vàng hơn, biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực hiện nhiệm vụ được phân công, lĩnh vực đang công tác. Do vậy, hiệu quả công tác, năng lực giải quyết công việc độc lập được nâng lên khá rõ rệt. Hầu hết cán bộ, công chức người DTTS cấp xã được đề bạt, bổ nhiệm đã phát huy tốt chức trách của mình trên cương vị mới; cán bộ trong nguồn quy hoạch cho nhiệm kỳ tiếp theo cũng được nâng cao một bước về trình độ, năng lực, đặc biệt là trình độ lý luận chính trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần nhìn nhận thực tế là trình độ cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS vẫn còn nhiều hạn chế cả về chất lượng và số lượng, nhất là trình độ lý luận chính trị - hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Có một số cán bộ, công chức người DTTS, ở vùng sâu, vùng xa, cán bộ lớn tuổi, hoàn cảnh kinh tế khó khăn có tâm lý ngại đi học. Đào tạo lý luận chính trị - hành chính cũng chưa gắn với công tác quy hoạch và bố trí sử dụng. Một số cán bộ DTTS sau khi được đào tạo lý luận chính trị - hành chính về địa phương không được bố trí công việc phù hợp. Bên cạnh đó, công tác đào tạo lý luận chính trị - hành chính mới chú trọng việc trang bị các kiến thức chung, còn thiếu nội dung hướng dẫn kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý các tình huống xảy ra trong thực tiễn ở các địa phương.

Nội dung, chương trình đào tạo dù đã có nhiều cải tiến, đổi mới song vẫn chưa sát với từng đối tượng, đặc biệt là học viên DTTS trong hệ thống chính trị ở cấp xã. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên vẫn còn hạn chế, bất cập. Cơ sở vật chất - kỹ thuật và phương tiện phục vụ công tác giảng dạy và học tập còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Cán bộ UBND xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) hướng dẫn người dân tìm hiểu các thủ tục hành chính được niêm yết tại bộ phận một cửa UBND xã. Ảnh: Nguyễn Xuân

Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ DTTS cấp xã trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác đào tạo lý luận chính trị trong xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Cần rà soát, đánh giá đúng số lượng, chuẩn về chất lượng cán bộ, xác định nhu cầu sử dụng cán bộ đúng vị trí việc làm để từ đó có kế hoạch cử đi đào tạo đúng đối tượng.

Cùng với đó, chương trình giảng dạy lý luận chính trị cần được điều chỉnh, thường xuyên cập nhật những kiến thức thực tiễn sao cho phù hợp với học viên là người DTTS. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước và đặc biệt về công tác dân tộc. Bên cạnh đó, cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình sử dụng cán bộ, công chức người DTTS sau đào tạo, bồi dưỡng. Có chế độ hỗ trợ cán bộ DTTS đi học lý luận chính trị, nhất là ưu tiên cho việc đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng biên giới.

Y Mluck Kbuôr

 Trường Chính trị tỉnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.