Hậu phương vững chắc của người lính trẻ
Để các chiến sĩ yên tâm thực hiện nghĩa vụ quân sự, phía sau các anh luôn có một hậu phương vững chắc. Đó là người thân gia đình, là chính quyền, địa phương luôn bên cạnh động viên, khích lệ để người lính yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Kể từ ngày con trai Nguyễn Xuân Trung tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, chị Đặng Thị Kính (ở xã Ea M'doal, huyện M'Drắk) dành nhiều thời gian quan tâm, dõi theo con. Thấu hiểu vai trò quan trọng của hậu phương, tranh thủ dịp cuối tuần, cả gia đình hơn 10 người lại dậy từ rất sớm, vượt gần 100km, mang theo những món ăn mà chàng lính trẻ yêu thích để cả nhà cùng sum vầy.
Như được tiếp thêm niềm vui, chàng lính trẻ Nguyễn Xuân Trung thường tự hào kể cho đại gia đình nghe về môi trường học tập, rèn luyện, về những người bạn, người anh yêu quý trong môi trường quân đội.
Chị Kính chia sẻ: “Trung đi bộ đội sụt ký nhưng người rắn rỏi hơn, nói năng lễ phép và hiểu chuyện lắm. Cả gia đình ai cũng thương và động viên con hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến thăm, chứng kiến điều kiện sinh hoạt tại đơn vị, gia đình yên tâm hơn rất nhiều".
Niềm vui của gia đình chiến sĩ trong ngày gặp mặt. |
Nguồn khích lệ từ người thân cũng là động lực cho chàng chiến sĩ trẻ Hoàng Quốc Tuấn (Trung đội phục vụ, Tiểu đoàn 303) hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở thành điển hình tiên tiến của Trung đoàn 584. Tuấn có tuổi thơ khá cơ cực, bố mẹ ly hôn khi em mới 4 tuổi, em được bố và bà nội nuôi dưỡng. Do bố thường xuyên làm ăn xa nên em chỉ còn bà nội để nương tựa. Kinh tế khó khăn, học hết lớp 8, Tuấn phải nghỉ và đi làm thuê, tiết kiệm từng đồng để phụ giúp bà trang trải cuộc sống, nhất là những lúc bà ốm đau.
Khi bước vào quân ngũ, tình yêu thương của bà nội càng là động lực cho “anh nuôi” Hoàng Quốc Tuấn vượt qua những bỡ ngỡ trong những ngày đầu, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm những bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng để đồng đội đủ sức khỏe tham gia huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Không những vậy, Tuấn còn là một người cháu hiếu thảo, em còn tiết kiệm phụ cấp hằng tháng để gửi về biếu bà. Tuấn tâm tình: “Bà nội là nguồn cổ vũ, động viên lớn nhất với em. Nhờ có bà luôn ở bên mà bản thân em thêm an tâm tư tưởng để công tác tại đơn vị”.
Lính trẻ Tiểu đoàn 303 giao lưu văn nghệ cùng đoàn viên thanh niên địa phương. |
Nói về vai trò quan trọng của tình thân gia đình, Y Thiệp Hwing (Đại đội 8, Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 584) cho hay, đơn vị mỗi người đến từ một vùng quê, khác nhau về phong tục, tập quán, hoàn cảnh. Ai cũng có những nỗi niềm riêng, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của đồng đội, sự động viên từ gia đình, người thân nên đã vượt lên tất cả để huấn luyện tốt, sẵn sàng chiến đấu cao, luôn nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Không chỉ có gia đình, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cũng sát cánh, dõi theo từng bước trưởng thành của người lính. Phó Bí thư Thường trực huyện Cư Kuin Trần Văn Quế cho hay, hằng năm, địa phương rất chú trọng đến công tác tuyển quân, trong đó có công tác hậu phương chiến sĩ.
Để bám nắm tình hình, địa phương và các đơn vị nhận quân luôn phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin, thăm hỏi, động viên chiến sĩ. Địa phương cũng yêu cầu các ban, ngành, cơ quan, đoàn thể thường xuyên chăm lo, hỗ trợ gia đình có quân nhân nhập ngũ bằng những việc làm cụ thể như: giúp đỡ ngày công lao động, tham gia hỗ trợ xây dựng nhà Tình nghĩa…
Bảo Minh
Ý kiến bạn đọc