Multimedia Đọc Báo in

Xúc cảm tháng Ba

08:44, 28/03/2017

Tránh cái rét xứ Bắc, bạn vào miền Nam và ghé lên Buôn Ma Thuột chơi Lễ hội Cà phê và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017. Tôi đưa bạn khi khắp thành phố để trải nghiệm những gì mà trước đó hai đứa đã Email cho nhau.

Bạn thích nhất là câu mời gọi của tôi về dịp lễ hội này: “Đến Ban Mê để uống cà phê và nghe cồng chiêng nhé”. Vì thế nơi nào có hai thứ “đặc sản” ấy là bạn quyết đi cho bằng được. Nào là buôn Akô D’hông, Kô Sier, Kô Tam, Buôn Bông, Buôn Đôn, Cư M’gar…. tất cả những địa danh ấy, tôi và bạn không bỏ sót một chỗ nào. Song, có lẽ ấn tượng nhất như bạn nói- đó là cái buôn nhỏ xinh, thuần hậu còn sót lại trong lòng đô thị cao nguyên này đã neo giữ lại tình cảm, tâm tư trong lòng những người đã đến. Ở đây được ngồi nhâm nhi ly cà phê thơm tho mỗi sớm trên những ngôi nhà dài Êđê truyền thống. Tối lại được nghe cồng chiêng và tận mắt xem bao cô sơn nữ hát múa quanh bếp lửa hồng, hay trước sân nhà thoáng đãng. Những vòng xoang cứ nối tiếp nhịp chiêng ngân nga, vang vọng… khiến bạn không muốn dứt ra. Vậy có gì mà cuốn hút đến thế, làm mọi người, trong đó có bạn trở nên bần thần, khó tả? Tôi để ý trong không gian huyền hoặc và đầy ma mị kia, bạn hết ngồi lặng yên lại sôi nổi hòa vào bước nhảy, vòng xoang của các cô gái váy áo nền nã, chân trần.

Du khách tham quan Khu du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam.
Du khách tham quan Khu du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam.

Lúc về, bạn thích thú bảo rằng: “Ngỡ mình như đi ngược thời gian để trở về với khoảng trời nào đó xa lắc, khó định hình và nắm bắt được. Chỉ lờ mờ nhận ra khung trời ấy thân thiện, gần gũi, nhẹ nhõm vô cùng, dễ bắt con người ta hoài vọng và mơ tưởng”. Tôi cười và nói thật lòng: “Cảm giác của bạn đã chạm vào bản sắc Tây Nguyên rồi đấy. Mình sẽ cắt nghĩa thêm để mong tìm được một người tri âm, tri kỷ trong cuộc viễn du trên vùng đất huyền thoại này”. Bạn gật đầu và chăm chú lắng nghe: “Đi ngược thời gian để trở về…” như cảm giác khởi lên trong bạn vừa rồi, có một con đường dẫn dắt của thực tại, tuy rất đổi bình thường, dung dị nhưng đầy minh triết như cố Giáo sư Trần Văn Khê từng nói về cồng chiêng Tây Nguyên khi di sản này được hoàn thiện và đệ trình lên UNESCO công nhận. Rằng, không phải ngẫu nhiên mà các tộc người Tây Nguyên chuyển quan hệ máu mủ, ruột rà của mình vào phiên chế của dàn chiêng. Chiêng mẹ, chiêng cha và chiêng con được tấu lên trong hợp xướng âm nhạc ấy là dòng chảy của nhận thức về lịch sử, thế giới nhân sinh quan của con người. Trong nghi thức diễn tấu, bao giờ chiêng mẹ (đại diện cho mẫu hệ) đánh lên trước, cứ thế đến chiêng cha và con, rồi ngược lại… như một sự trở về với nguồn cội, bản ngã uyên nguyên. Nét độc đáo ấy chỉ có trong Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên mà thôi, còn những nơi khác- kể cả quốc đảo Indonesia, Lào hay đất nước chùa tháp Campuchia không thể hiện được yếu tố nhân sinh sâu sắc ấy. Thêm nữa, bạn có thấy không- trên nền nhạc cồng chiêng là vũ điệu (xoang) được kết nối như một hình thức tập hợp cộng đồng hướng về giá trị nhân sinh đó. Người ta xoang theo chiêng với một trật tự riêng và bắt buộc từ trái sang phải, hay nói cách khác là “ngược chiều kim đồng hồ” cũng nhằm mục đích trở về “khung trời” mà bạn lờ mờ cảm thức được. Cảm thức ấy, nếu cứ được chắt lọc dần thì nó sẽ đạt đến “trạng thái thiền” như cố Giáo sư Trần Văn Khê thẩm định.

“Thật tuyệt vời và hơn thế là xin cảm ơn cồng chiêng Tây Nguyên đã cho mình những xúc cảm không dễ gì có được trong đời sống hiện đại, xô bồ này”, bạn chân tình tâm sự. Tôi cũng thế, trên mảnh đất huyền ảo và giàu mơ tưởng này, bước chân tôi cứ tiếp tục đi để hiểu biết nhiều hơn, rồi có dịp mình lại chia sẻ và trải nghiệm cùng nhau - phải không cô bạn xứ Bắc xa xôi? 

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.