Multimedia Đọc Báo in

Hành trình tri ân (Kỳ 2)

15:39, 19/07/2017

Kỳ 2: Đau đáu Nậm Nia

Khu vực núi Nậm Nia được xem là một trong những địa điểm có nhiều hài cốt liệt sỹ. Hơn 16 năm qua, Đội K51 và các cựu chiến binh dù đã rất nỗ lực tìm kiếm nhưng đến nay nhiều đồng đội vẫn chưa gặp được, còn nằm lạnh giữa rừng…

Sự trùng hợp đến bất ngờ

Thượng tá Bùi Quang Thành, Trưởng Ban Dân vận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (nguyên là Đội trưởng Đội K51) từng có 9 năm gắn bó với Đội K51 cho biết: Từ khi đội thành lập đến ngày chuyển công tác, anh không sao nhớ hết được những gian khổ và cả niềm vui, hạnh phúc trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên nước bạn, nhưng có một kỷ niệm khiến anh luôn ghi nhớ trong lòng.

Năm 2010, Đội K51 được người dân thông tin có 5 mộ liệt sỹ được chôn cất bên sườn núi Nậm Nia. Hơn 20 ngày bám rừng, đào xới tất cả các điểm nghi vấn, tuy vậy vẫn không thu được kết quả gì. Trưa ngày dự tính chuyển địa điểm, cả đội ngồi uống nước thì phát hiện một cồn đất, phía dưới có bia sắt còn đầy đủ họ tên: Liệt sỹ Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1950, chức vụ Tiểu đội phó, đơn vị: Đại đội 2, Tiểu đoàn 25, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3; hy sinh 2-3-1975, quê quán: xã Hồng Hà, huyện Hát Môn, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Thấy thông tin đầy đủ, Đội K51 đã phát quang khu vực và quy tập được một mộ liệt sỹ. Thượng tá Bùi Quang Thành nhớ lại: Chúng tôi tìm hiểu thông tin qua các đồng đội liệt sỹ Nguyễn Văn Thắng thì được biết, trong một lần đi trinh sát, anh bị địch phục kích và hy sinh.

Bác Nguyễn Văn Hơn trò chuyện cùng cán bộ Đội K51.
Bác Nguyễn Văn Hơn trò chuyện cùng cán bộ Đội K51.

Lần theo thông tin trên bia mộ, Đội 51 liên lạc về địa phương, thân nhân gia đình vào đúng thời điểm cả nhà đang làm đám giỗ cho liệt sỹ Nguyễn Văn Thắng. Một sự trùng hợp khá bất ngờ là ngày tìm được hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Thắng cũng chính là ngày mà anh hy sinh trên chiến trường nước bạn!

Hồi tưởng lại ký ức, Thượng tá Bùi Quang Thành giọng trầm lại: Nếu như ngày đó không tìm được mộ thì có lẽ liệt sỹ Nguyễn Văn Thắng đã mãi yên nghỉ trên vùng rừng hoang lạnh. Bởi không ít lâu sau đó, khu vực ấy được giải phóng mặt bằng để trồng cây công nghiệp lâu năm…

Nỗi niềm day dứt với đồng đội

Đi qua cuộc chiến khốc liệt, chứng kiến không biết bao đồng đội ngã xuống giữa tuổi mười tám, đôi mươi nên bác Nguyễn Văn Hơn (buôn Tul A, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) vẫn luôn đau đáu nỗi niềm tri ân đồng đội.

Chúng tôi tìm đến nhà bác trong một chiều nắng oi ả. Ở tuổi 82, bước chân bác nặng nề hơn, trí nhớ cũng có phần giảm sút, ký ức về những năm tháng mưa bom bão đạn chỉ còn là các mảnh ghép mờ nhạt. Nhưng, khi được hỏi về 2 lần trực tiếp dẫn Đội K51 tìm kiếm hài cốt liệt sỹ khu vực núi Nậm Nia, bác trở nên sốt sắng: “Còn nhiều đồng đội nằm lại ở đó lắm. Nếu có sức khỏe tôi vẫn muốn được tiếp tục kiếm tìm…”.    

Núi Nậm Nia nằm trên địa bàn huyện Bétchanđa (tỉnh Mundulkiri), có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển. Từng là trợ lý giao bưu của Đoàn B90 (Bộ Quốc phòng), bác Nguyễn Văn Hơn nắm khá rõ mọi thông tin về khu vực này. Bác Hơn và một số cựu chiến binh khác khẳng định, khu vực núi Nậm Nia trước đây có một trạm y tế và một bệnh viện dã chiến. Nơi này có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Việt Nam hy sinh, phần vì vết thương quá nặng, phần vì ốm đau, bệnh tật, chủ yếu là sốt rét…

 

“Theo nguồn tin từ các cựu chiến binh, Nậm Nia vẫn còn ít nhất 2 khu mộ mai táng khoảng 100 mộ liệt sỹ chưa được tìm thấy. Dẫu biết là khó khăn, nhưng Đội K51 vẫn sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình…” 

 
 
Trung tá Phan Tất Đại, Đội trưởng Đội K51

Năm 2005, nhận lời mời của Đội K51, bác Hơn cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị không quản ngày đêm, trèo rừng, vượt suối tìm về khu vực Nậm Nia. Ròng rã nhiều ngày trời tìm kiếm, tuy không tìm thấy khu vực chôn cất hơn 50 mộ liệt sỹ mà bác Hơn mô tả, nhưng nhờ chuyến đi đó, bác Hơn được chứng kiến Đội K51 quy tập một khu mộ khác có 52 liệt sỹ. Tất cả được chôn san sát nhau, có bia đá ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, đơn vị…

Đau đáu vì nhiều đồng đội vẫn còn nằm lại giữa rừng xanh, năm 2010, bác Hơn tiếp tục cùng Đội K51 về lại chiến trường xưa. Tuổi cao, sức yếu lại mắc bệnh huyết áp nên nhiều đoạn rừng cheo leo, chiến sĩ K51 phải dìu bác. Đồng lòng vượt qua tất cả khó khăn, ròng rã nhiều ngày liền, cả đội dày công đào xới, tìm kiếm nhưng vẫn không có kết quả… Trở về quê nhà trong nỗi buồn như cắt xé tâm can, bác Hơn vẫn mong một ngày không xa, Đội K51 sẽ tìm thấy những đồng đội còn nằm lại trên đất bạn.

Trung tá Phan Tất Đại, Đội trưởng Đội K51 chia sẻ, từ những ngày đầu thành lập đến nay, đã nhiều mùa khô Đội K51 đến Nậm Nia để đào xới, tìm kiếm. Có những hành trình, đội gặp không ít hầm hào, công sự, hố chiến đấu cá nhân, giày dép, hầm thuốc còn sót lại, nhưng hài cốt đồng đội vẫn chưa được tìm thấy.

Anh Đại lý giải: “Nậm Nia nay gần như thay đổi hoàn toàn so với thông tin mà chúng tôi nắm được từ các cựu chiến binh. Đặc biệt, khu vực chân núi thì ngày càng được người dân mở rộng diện tích làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp lâu năm… khiến công tác tìm kiếm càng thêm khó khăn, phức tạp”.

 (Còn nữa)

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.