Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk với công tác chăm sóc người có công

17:08, 25/07/2017

Huyện Lắk đang quản lý 1.492 đối tượng chính sách, trực tiếp chi trả trợ cấp hằng tháng cho 449 đối tượng.

Trong đó có 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 84 thương binh, người hưởng chính sách; 114 bệnh binh; 21 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 106 người có công giúp đỡ cách mạng; 64 người hưởng tuất liệt sĩ; 30 người hưởng tuất từ trần; 8 người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày...

Trong 5 năm qua (2012 – 2017), ngoài sự hỗ trợ của tỉnh (455 triệu đồng), công tác xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa luôn được các cơ quan, trường học và các đoàn thể trên địa bàn huyện quan tâm, và đã xây dựng được nguồn quỹ hơn 400 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ các gia đình chính sách cải thiện nhà ở, hỗ trợ khi gặp khó khăn, cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, địa phương đã thực hiện xây dựng mới được 45 nhà ở, với kinh phí 983 triệu đồng đồng; hỗ trợ sửa chữa 12 nhà, kinh phí 97 triệu đồng; miễn, giảm tiền sử dụng đất cho 6 trường hợp, số tiền trên 600 triệu đồng. Công tác thăm hỏi và tặng quà nhân dịp lễ, tết luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời, từ nguồn kinh phí Trung ương và tỉnh, huyện đã tổ chức tặng 12.750 suất quà, với kinh phí, trị giá hơn 3,3 tỷ đồng; tặng quà nhân kỷ niệm ngày 27 – 7 là 7.990 suất, kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng.

Thanh niên huyện Lắk thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang huyện.
Thanh niên huyện Lắk thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện.

Bên cạnh đó, công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh cũng luôn được huyện chú trọng, đây là công việc rất phức tạp, đòi hỏi phải chính xác nên trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. Để giải quyết chính xác và kịp thời những hồ sơ tồn đọng, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan, đồng thời cử cán bộ chuyên môn xuống tận cơ sở thôn, buôn, tổ dân phố hướng dẫn cho nhân dân lập hồ sơ kê khai. Kết quả, trong 5 năm đã tiếp nhận và giải quyết được 1.123 hồ sơ của người có công để hưởng các chế độ: trợ cấp 1 lần; bảo hiểm y tế; huân, huy chương kháng chiến...

Đối với chính sách ưu đãi học sinh, sinh viên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC, ngày 20-11-2006 của Bộ LĐTBXH, Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công và con của họ, trong 5 năm qua đã giải quyết cho 146 lượt học sinh, sinh viên được hưởng trợ cấp hằng tháng và trợ cấp 1 lần, với kinh phí trên 600 triệu đồng, 100 % đối tượng chính sách được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Việc thực hiện chi trả các chế độ, trợ cấp hằng tháng cho đối tượng chính sách luôn kịp thời, bảo đảm đúng, đủ theo quy định, không để xảy ra sai sót.

Việc làm tốt công tác chăm sóc người có công đã tạo được lòng tin, sự hài lòng của các đối tượng chính sách, thân nhân người có công. Ông Mai Mộng Điệp (thị trấn Liên Sơn) bộc bạch, ông có 2 người anh ruột là liệt sỹ Mai Ngọc Sơn (SN 1951) hy sinh năm 1971 tại chiến trường Gia Lai – Kon Tum và liệt sĩ Mai Đức Thọ (SN 1957) hy sinh năm 1979 tại chiến trường Campuchia. Hằng năm, gia đình ông đều được các cấp chính quyền, đoàn thể trong huyện đến thăm hỏi, chia sẻ với những hy sinh của 2 anh trai. Còn ông Đặng Tăng Kim (thị trấn Liên Sơn) cũng chia sẻ, sau khi trở về từ chiến trường, ông bị thương tật 21%. Trong khoảng thời gian sống và làm việc tại địa phương, ông cũng như nhiều thương binh khác trên địa bàn huyện được chính quyền, đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện vay vốn để sản xuất, xây dựng nhà ở và nhiều chính sách an sinh xã hội khác đối với người có công.

Tiếp tục phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian tới, huyện Lắk đẩy mạnh công tác xã hội hóa đối với hoạt động chăm sóc người có công, trước mắt tập trung vào cải thiện nhà ở cho đối tượng chính sách, xóa hộ chính sách nghèo, phấn đấu 100% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống của nhân dân cùng nơi cư trú…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.