Multimedia Đọc Báo in

Những thương binh nhiệt tình với công tác xã hội

15:36, 19/07/2017

Trở về sau chiến tranh với thương tật trên cơ thể, những người cựu chiến binh năm xưa tiếp tục phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” vượt khó, vươn lên trong cuộc sống đời thường và tích cực tham gia công tác xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp…

Ông Giàng Seo Sình (dân tộc Mông) từng tham gia chiến đấu và bị thương (mất 1 chân) tại chiến trường biên giới phía Bắc năm 1979. Đến năm 1997, ông Sình cùng gia đình từ tỉnh Hà Giang vào định cư tại thôn Ea Hăn, xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông). Trên quê hương mới, dù sức khỏe hạn chế nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội ở địa phương.

Ea Hăn là thôn đồng bào Mông di cư với 168 hộ. Cuộc sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Với vai trò là Trưởng ban công tác Mặt trận và Chi hội phó Người cao tuổi thôn Ea Hăn, ông Sình đã phối hợp với Ban tự quản và các đoàn thể của thôn tích cực vận động bà con thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết phát triển kinh tế, giữ gìn tốt an ninh trật tự. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hòa giải nên trong những năm qua, thôn Ea Hăn không xảy ra tình trạng đánh nhau, trộm cắp vặt, rượu chè, ma túy... Thôn xóm luôn bình yên, cuộc sống của người dân ổn định.

Ông Giàng Seo Sình đang giúp người dân trong thôn Ea Hăn làm nhà.    Ảnh: T. Lâm
Ông Giàng Seo Sình đang giúp người dân trong thôn Ea Hăn làm nhà. Ảnh: T. Lâm

Bên cạnh đó, ông Sình còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình trong thôn gặp khó khăn. Trước đây, ông đã cùng với Ban tự quản thôn đến từng nhà vận động bà con đóng góp xây dựng trường học; gia đình nào khó khăn khi làm nhà, ông tự nguyện đến giúp và vận động những người biết nghề mộc làm giúp mà không cần trả công. Ông còn vận động hơn 100 hộ dân trong thôn đóng góp hơn 200 triệu đồng và hàng trăm ngày công để dẫn nước sạch tự chảy từ đầu nguồn về sử dụng. Đến nay 168 hộ dân thôn Ea Hăn không còn phải lo thiếu nước sinh hoạt ngay cả trong mùa khô hạn.

Ông Sình luôn gần gũi, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời phản ánh với cấp trên. Ông có tiếng là người thẳng thắn vì công việc chung; gương mẫu trong cách sống, cách làm việc. Không những vậy, ông còn vận động người thân trong gia đình gương mẫu, tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể xã hội. Hiện nay con trai ông đang là Phó Bí thư Chi bộ, thành viên Đội công tác phát động quần chúng 253, đại biểu HĐND xã Cư Đrăm. Nhận xét về ông Sình, ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Cư Đrăm cho biết: “Ông Giàng Seo Sình là một cán bộ Mặt trận có uy tín của xã Cư Đrăm. Là thương binh nặng nhưng ông là người rất nhiệt tình, năng nổ, tâm huyết. Trong những năm qua, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bà con tin yêu”.

Còn ông Phạm Quyết Thắng (tổ dân phố 6, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) là thương binh và đối tượng nhiễm chất độc da cam trong kháng chiến chống Mỹ, dù kinh tế còn khó khăn, sức khỏe hạn chế nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội tại địa phương. Năm 1996, khi phường Khánh Xuân được thành lập, ông được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ phường nhiều khóa, là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy phường, Trưởng ban Thương binh xã hội nhiều năm và tham gia Thường vụ Hội Cựu chiến binh phường. Đến năm 2012, sau khi nghỉ công tác ở phường, ông Thắng lại được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin TP. Buôn Ma Thuột.

Ở cương vị nào, ông Thắng cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, ông luôn sâu sát nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình chính sách ở địa phương để đề xuất với lãnh đạo phường hỗ trợ kịp thời. Ông đã tham mưu đề nghị với lãnh đạo địa phương làm hồ sơ hưởng chế độ cho gần 100 đối tượng chính sách, thương bệnh binh và đối tượng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam; hỗ trợ xây dựng hàng chục nhà Tình nghĩa cho đối tượng chính sách có công cũng như tích cực vận động nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tại địa phương…

Sự nhiệt tình, năng nổ trong công tác xã hội của thương binh Phạm Quyết Thắng đã được các cấp ghi nhận, khen thưởng. Năm 2017, ông vinh dự được mời tham dự Hội nghị tổng kết biểu dương các cá nhân và đơn vị điển hình trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của Quân khu 5.

Tùng Lâm – Đình Hưởng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.