Multimedia Đọc Báo in

Nơi kết nối những người đam mê cà phê trên thế giới

11:06, 13/02/2019

Giữa năm 2018, tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, Bảo tàng cà phê lớn nhất thế giới do Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên xây dựng được khánh thành.

Đây cũng là một phần nhỏ trong tổng thể của “Thủ phủ cà phê toàn cầu” đang được Tập đoàn này nỗ lực hiện thực hóa tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Khát vọng từ ... “làng”

Làng cà phê Trung Nguyên ra đời vào năm 2008 tại TP. Buôn Ma Thuột. Đó là một không gian thư giãn độc đáo với kiến trúc mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên và đậm đặc chất cà phê. Làng cà phê trở thành nơi hội tụ những người mê cà phê trong nước và ngoài nước, là nơi mà khách du lịch sẽ đến tìm hiểu về những gì liên quan tới cà phê. Du khách rất thích không gian thoáng mát, cảnh vật lạ mắt ở đây, đặc biệt đến thủ phủ cà phê muốn chụp hình với cây cà phê thì không cần phải đi đâu xa, Làng cà phê Trung Nguyên thỏa được cho khách thấy sắc thái cây cà phê ở mỗi tháng khác nhau: có mùa hoa nở trắng, có mùa trái chín đỏ cây…

Toàn cảnh Bảo tàng thế giới cà phê rộng hơn  45 ha tại Buôn Ma Thuột.
Toàn cảnh Bảo tàng thế giới cà phê rộng hơn 45 ha tại Buôn Ma Thuột.

Làng cà phê còn thu hút khách tham quan những hiện vật quý. Một không gian trưng bày những chiếc gùi, dụng cụ sản xuất cà phê của người Tây Nguyên; bộ sưu tập đồ pha chế cà phê trong đó có những chiếc phin lọc cà phê đầu tiên bằng sứ, sau đó cải tiến bằng nhôm, thiếc… rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên không ai ngờ rằng, đó chỉ là viên đá đầu tiên để Trung Nguyên làm nên những công trình lớn sau này.

Mở một cánh cửa vào “Thủ phủ cà phê toàn cầu”

Không dừng lại khát vọng từ làng, để thế giới nhìn nhận “thủ phủ cà phê toàn cầu” ở Việt Nam, Trung Nguyên đã đánh dấu một cột mốc quan trọng khi tiến tới thành lập “Bảo tàng thế giới cà phê” tại TP. Buôn Ma Thuột. Ý tưởng về một bảo tàng văn hóa cà phê toàn cầu của Việt Nam đã được hình thành ngay từ những ngày ban đầu của ý tưởng dự án “Thủ phủ cà phê toàn cầu” và đã được rất nhiều chuyên gia về bảo tàng trong và ngoài nước trăn trở, xây dựng và đóng góp hoàn thiện cùng với Trung Nguyên. Bảo tàng nằm trong khuôn viên Dự án Thành phố Cà phê rộng hơn 45 ha tại đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Tân Lợi, nhằm tôn vinh, lưu giữ và chia sẻ niềm đam mê cà phê với tất cả mọi người. Đồng thời, bảo tàng cũng là một kênh quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường cho thương hiệu Cà phê Trung Nguyên.

Không gian trưng bày sản phẩm và thưởng thức cà phê.
Không gian trưng bày sản phẩm và thưởng thức cà phê.

Bảo tàng Thế giới Cà phê đã thành hình với kiến trúc nương theo không gian quen thuộc đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên linh thiêng: Nhà dài. Với mô hình này, Trung Nguyên sẽ giới thiệu chi tiết đến du khách tham quan về lịch sử văn hóa cà phê Việt Nam và thế giới, với 10.000 hiện vật được tiếp nhận từ Bảo tàng Cà phê Burg (Đức), bộ sưu tập rễ cây cà phê độc đáo, bộ sưu tập các cổ vật, hiện vật văn hóa của Tây Nguyên… Bảo tàng sẽ có những mảng chuyên đề riêng. Bảo tàng tự nhiên về cà phê sẽ giới thiệu lịch sử phát triển tự nhiên của cây cà phê trên thế giới. Bảo tàng khoa học, công nghệ về cà phê giới thiệu sự cải tiến công nghệ, kỹ thuật canh tác, chế biến, sản xuất, pha chế cà phê qua các thời kỳ. Bảo tàng văn hóa cà phê giới thiệu sự độc đáo, đa dạng về văn hóa và phong cách thưởng thức cà phê trên thế giới qua những giai đoạn lịch sử riêng. Bảo tàng lịch sử xã hội về cà phê… Đặc biệt, còn có cà phê và văn hóa Tây Nguyên để tạo nét riêng, đây được xác định là điểm nhấn quan trọng của Bảo tàng Cà phê thế giới tại Việt Nam.

Máy xay cà phê đầu tiên tại Việt Nam.
Máy xay cà phê đầu tiên tại Việt Nam.

Tất cả những nỗ lực của Trung Nguyên trong việc thực hiện Bảo tàng thế giới cà phê tại Việt Nam là nhằm khẳng định: cà phê không chỉ là một sản phẩm thương mại mà nó còn chứa cả những yếu tố về lịch sử, văn hóa, từ đó xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến du lịch kết nối những người đam mê cà phê trên thế giới.

Lê Băng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.