Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019: Hội tụ và lan tỏa tinh hoa đại ngàn

09:25, 18/03/2019
Sau 8 ngày tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 có chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” với nhiều chuỗi sự kiện trang trọng, hấp dẫn, độc đáo, đầy ý nghĩa đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về một miền đất giàu tiềm năng, đậm đà bản sắc và hiếu khách.
 
Theo đánh giá của Ban tổ chức Lễ hội, công tác tổ chức Lễ hội đã được chuẩn bị chu đáo trên cả 3 khía cạnh: Truyền thông, nội dung và hậu cần. 17 chương trình chính của Lễ hội tạo được dấu ấn đặc sắc. Cụ thể, Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê thu hút sự tham gia của 230 đơn vị với 800 gian hàng, trong đó có 65 gian hàng của 18 doanh nghiệp nước ngoài; có tổng cộng 200.000 lượt khách (bình quân 40.000 lượt khách/ngày) tham quan; có hàng trăm bản ghi nhớ hợp tác của các doanh nghiệp được ký kết. Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam đã thu hút 400 đại biểu tham dự, nhiều tham luận có giá trị gợi mở việc thiết kế chính sách cho hướng đi mới của cà phê Việt Nam.
 
Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam năm 2019 là cuộc thi đầu tiên của cả nước; trong số 31 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia có 25 sản phẩm cà phê được trao giải. Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có 38 dự án được trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Bản ghi nhớ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 72.000 tỷ đồng. Triển lãm ảnh “44 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột - Những chặng đường lịch sử” đã làm sống dậy truyền thống hào hùng của nhân dân ta trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc - Chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở đầu cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước…
 
a
Tiết mục múa Hội mùa do Đoàn ca múa nhạc Đắk Lắk, nhóm nghệ nhân Đắk Lắk và Vũ đoàn Bazan biểu diễn tại đêm Bế mạc Lễ hội. Ảnh: Thế Hùng
Nằm trong chuỗi các hoạt động chính của Lễ hội, diễn ra vào 16 giờ ngày 9-3, Lễ hội đường phố đã kể lại câu chuyện đẹp về hành trình của cà phê từ quê hương Ethiopia đến sản phẩm mang tính toàn cầu. Các chương trình nghệ thuật đường phố cũng tái hiện hành trình hơn 100 năm hạt cà phê ươm mầm trên vùng đất đỏ, là tinh hoa của đất trời, trải qua bao thăng trầm và ngày càng bùng nổ, quyến rũ, lan tỏa, kết nối những người yêu cà phê trên toàn thế giới… đã mang lại không khí sôi động, đầy màu sắc.
 
Với chủ đề “Canh tác cà phê thông minh”, Hội thi Nhà nông đua tài 2019  đã hướng nông dân - người trực tiếp sản xuất cà phê chú trọng yếu tố kỹ thuật, vận dụng hiệu quả các kiến thức khoa học kỹ thuật vào canh tác cà phê một cách thông minh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu nhưng vẫn tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập.
 
Là công trình hướng đến Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 và thiết thực chào mừng kỷ niệm 44 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10-3-1975 – 10-3-2019), Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột với thiết kế hiện đại, ấn tượng mang đặc trưng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên sau khi hoàn thiện khai trương vào ngày 9-3-2019 đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân và du khách trong và ngoài nước. Đây là tuyến đường đầu tiên của TP. Buôn Ma Thuột trở thành nơi diễn ra các hoạt động văn hóa phong phú, đặc sắc như: giao lưu tác giả, tác phẩm; biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống, góp phần quảng bá văn hóa đọc, văn hóa cà phê và văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, từ đó nâng cao niềm tự hào, tình yêu quê hương, xứ sở.
 
Bên cạnh đó, Hội Voi Buôn Đôn; Đua thuyền độc mộc tại Hồ Lắk; Trình diễn các nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh; Hội thi ẩm thực Tây Nguyên..., vừa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, vừa đem lại sự phong phú, đa dạng, tạo nên tầm vóc của Lễ hội quốc gia, có khả năng hội tụ và lan tỏa trong xu thế chủ động hội nhập quốc tế. Chương trình thưởng thức cà phê miễn phí đã nhận được sự ủng hộ của 38 doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá nhân, thu hút hàng ngàn lượt người dân và du khách cùng thưởng thức.
 
Với khoảng 50.000 lượt du khách, trong đó có 6.000 du khách quốc tế  đến với Lễ hội trong 8 ngày tổ chức đã minh chứng cho sự thành công rực rỡ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019. Tại Lễ bế mạc diễn ra vào tối 16-3, đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội khẳng định: “Thành công của Lễ hội là nguồn động lực mạnh mẽ tiếp tục tôn vinh sản phẩm cà phê Việt Nam, đặc biệt là thương hiệu và chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột trên trường quốc tế; quảng bá phát triển cà phê đặc sản, với khát vọng đưa Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk trở thành “Điểm đến của cà phê thế giới”. Lễ hội lần này cũng góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh để xúc tiến thương mại và đầu tư theo định hướng phát triển bền vững, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo; lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, sự đoàn kết, thống nhất trong đa dạng; đồng thời là cơ hội để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với các địa phương của các nước anh em, các tổ chức quốc tế”.
 
Với sự tham gia đông đảo, tích cực của người dân, sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương và sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 đã thật sự trở thành sự kiện chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội lớn của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.  
 
 
 
Lê Hương

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.