Tinh hoa đại ngàn: Góp phần nâng tầm giá trị và vị thế cà phê Việt Nam
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 với nhiều chương trình, sự kiện mang lại nhiều cảm xúc và ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách và người dân phố núi. Mùa lễ hội thứ bảy đi qua đã góp phần vào sứ mệnh nâng cao giá trị, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột với thế giới.
Có thể thấy được những giá trị to lớn mà lễ hội cà phê lần này mang lại trong xúc tiến, quảng bá thương hiệu góp phần nâng cao giá trị, vì một ngành cà phê phát triển bền vững. Qua chuỗi hoạt động diễn ra tại lễ hội, sự kết nối giữa "4 nhà" đã đi từ lắng nghe đến thấu hiểu và chia sẻ.
Đó là triển lãm chuyên ngành cà phê có sự tham gia của 230 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước, với trên 800 gian hàng, trong đó có nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cà phê hàng đầu thế giới tham gia. Riêng doanh nghiệp nước ngoài có 18 doanh nghiệp với 65 gian hàng. Ngoài giá trị về mặt quảng bá thương hiệu, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác đầu tư. Bên cạnh đó, khác với những lễ hội lần trước, ngoài dòng sản phẩm chủ đạo là cà phê, nhiều sản phẩm mới được chế biến từ các loại nông – lâm sản của tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là các sản phẩm từ các nhóm khởi nghiệp cũng được “trình làng” tại Hội chợ triển lãm này.
Các chuyên gia thử nếm các sản phẩm dự thi tại Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2019. Ảnh: H.Gia |
Đó là hội thảo “Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam” với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế về cà phê như Mêhycô, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia cùng trao đổi về hiện trạng, kinh nghiệm phát triển cà phê đặc sản; thị trường cà phê đặc sản và những ảnh hưởng của phương pháp sơ chế đến công nghiệp cà phê đặc sản và giá cả, từ đó bàn giải pháp để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam, cách thức tổ chức sản xuất cà phê nhân đặc sản, một số đề xuất phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.
Đây cũng là dịp các ngành chức năng, địa phương cùng bộ, ngành trung ương nhìn nhận một cách toàn diện về cách thức phát triển cũng như đánh giá lại sứ mệnh của ngành cà phê Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc lập được thành tích đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhân, từ đó mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ của cà phê chất lượng cao, kết tinh những giá trị tinh hoa của một vùng đất…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng (đứng giữa) tham quan các mẫu cà phê đặc sản trong Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2019. |
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” đã làm tròn sứ mệnh của mình đó là tiếp tục quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt, với việc chú trọng quảng bá phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, thì đây là Lễ hội có sự tác động sâu sắc đến cộng đồng cà phê từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Và việc quan tâm đến vấn đề không ngừng nâng cao chất lượng để cho ra những hạt cà phê, sạch từ quá trình chăm sóc, bảo quản đến chế biến có thể xem đó là sự “sống còn” của ngành cà phê trong bối cảnh hội nhập, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Chính vì vậy, đây là lễ hội mà câu chuyện về chất lượng cà phê được bàn thảo và đưa ra nhiều giải pháp nhất để hiện thực hóa mục tiêu từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Cũng qua lễ hội lần này, thêm một lần nữa khẳng định Cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung ngày càng có vị thế quan trọng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc