Multimedia Đọc Báo in

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt bạn bè quốc tế

08:41, 19/05/2020

Năm 1987, tại Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 24, Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liệp hiệp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”.

Sự kiện này chính là sự ghi nhận của quốc tế khẳng định những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; đồng thời là danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Trong bài báo “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” đăng trên tờ Ogoniok (Liên Xô), số 39 ngày 23-12-1923, nhà báo Liên Xô là Ôxip Manđenxtam đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Ông còn nhận xét rằng “dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ba Lan (1957). Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ba Lan (1957). Ảnh tư liệu

Trong Hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam năm 1990 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ M.Átmét (Modagat Ahmed), Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO, khi trình bày đến “một phương diện khác về con người Hồ Chủ tịch, đó là một nhà văn hóa lớn”, ông đã cho rằng trước hết “Hồ Chí Minh đã thành công trong việc liên kết nhiều sắc thái văn hóa vào một nền văn hóa Việt Nam duy nhất”. Trên cơ sở đó, Người “có những đóng góp vào việc tạo nên một nền văn hóa Việt Nam hiện đại”.

Và điều quan trọng nhất, “chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

Như vậy, khi đề cập tới Nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh, Tiến sĩ M.Átmét đã chỉ ra sự thống nhất giữa “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “danh nhân văn hóa”. Việc Hồ Chí Minh đấu tranh để loại bỏ áp bức, bóc lột, bất công, bất bình đẳng, mở ra một chân trời mới xán lạn cho các dân tộc và mọi người bị áp bức là một giá trị văn hóa đích thực.

Đây là vấn đề mang tính phổ biến và chỉ có ai kết hợp được một cách nhuần nhuyễn giữa “cách mạng” với “văn hóa”, mà đỉnh cao là xua tan bóng tối của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, của dốt nát, đói nghèo, bệnh tật đè nặng lên cuộc sống của các dân tộc bị áp bức, xoá đi một vết nhơ trong lịch sử và trong nền văn hóa của loài người là chủ nghĩa thực dân thì mới thực sự tiêu biểu cho “nền văn hóa của tương lai”. Đó cũng là quá trình đem đến cho kho tàng văn hóa thế giới những giá trị lớn, thể hiện khát vọng của nhân dân các nước trong cuộc đấu tranh.

Nhà báo Pháp Môngtôrông (Montoron), báo Témoignages Chrétiens cũng từng viết: “Cụ Hồ Chí Minh là một chiến sĩ đầu tiên của thế giới thứ ba, của các dân tộc nghèo đói thèm khát một cuộc sống dựa vào sức mình là chính và một dân tộc chỉ có thể sống còn khi mà dân tộc ấy không chịu sống nô lệ. Nhất là Cụ dạy rằng cuộc chiến đấu vì nhân phẩm và tự do phải được đặt lên trên mọi cuộc chiến đấu khác. Cụ đã đem hết sức mình để đem lại cơm ăn, nước uống cho những ai đói khát. Cụ đã bênh vực những người yếu hèn và mang lại nhân phẩm cho những người nghèo khổ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ công tác chuyên môn cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội năm 1960. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ công tác chuyên môn cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội năm 1960. Ảnh tư liệu

Bạn bè quốc tế nhìn nhận và đánh giá sự nghiệp văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ ở hiện tại mà còn ở tương lai; không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn nhằm giải phóng số phận những con người cùng khổ trên thế giới. Một nhà nghiên cứu triết học, chính trị xã hội Mêhicô đã nhận xét: “Ngày nay cuộc đấu tranh giữa hai thứ triết học về cuộc sống trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Đó là: một loại triết học nhìn thế giới như một cái gì đó bất biến, trong đó mọi thay đổi chỉ là những mê hoặc; và loại kia thì nhìn thế giới như một quá trình mà ở đó những thay đổi là cội nguồn của sự giàu có, tiến bộ và nhằm tìm kiếm ước muốn nhân đạo trong lĩnh vực đạo đức. Vì thế mà những con người như Hồ Chí Minh ngày càng trở nên vĩ đại, vì họ là những con người đã cho chúng ta lý do để sống và khả năng để thực hiện những giấc mơ của mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa vì hòa bình, là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế. “Chúng ta ngày càng thấy Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa kiệt xuất, không chỉ kết tinh những thành tựu của quá khứ, không chỉ thể hiện đỉnh cao của trí tuệ và tâm hồn thời đại mà còn báo hiệu qua chính bản thân mình những phẩm chất tiêu biểu cho nền văn hóa ngày mai” - Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO khẳng định.

Nguyễn Văn Thanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.