Multimedia Đọc Báo in

Sinh viên háo hức trước ngày bầu cử

08:25, 19/05/2021

Công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 tại Trường Đại học Tây Nguyên đã cơ bản hoàn tất.

Hàng nghìn sinh viên của trường đang háo hức chờ ngày hội lớn khi lần đầu tiên trong đời được cầm lá phiếu thực hiện quyền, nghĩa vụ của cử tri.

Tại khu vực bỏ phiếu được trang hoàng rực rỡ trước hội trường lớn của Trường Đại học Tây Nguyên, nhiều sinh viên đang chăm chú tìm hiểu thông tin về các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Em H’Sinh Bkrông, sinh viên năm thứ hai ngành Ngôn ngữ Anh cho biết, đây là lần đầu tiên được đi bầu cử nên em rất háo hức mong chờ sớm đến ngày đi thực hiện quyền công dân của mình. Em nắm được rất nhiều thông tin về bầu cử qua báo chí, website của trường và hoạt động tuyên truyền của các anh chị Đoàn phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột. Qua tìm hiểu lý lịch các ứng cử viên em thấy những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND thuộc nhiều thành phần, trình độ cao và nhiều năm công tác trong các lĩnh vực. Em sẽ nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng để chọn ra đại biểu ưu tú nhất.

Cử tri tại Trường Đại học Tây Nguyên tìm hiểu thông tin các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV  và HĐND các cấp.
Cử tri tại Trường Đại học Tây Nguyên tìm hiểu thông tin các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp.

Với em Đỗ Xuân Việt, sinh viên năm thứ nhất ngành Kế toán, đi bầu cử là sự khẳng định rằng mình đã trưởng thành, được thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Em rất ấn tượng với những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, trong đó có nhiều ứng cử viên là người dân tộc thiểu số hay cựu sinh viên của trường mà em đã từng được gặp và trò chuyện qua những diễn đàn khoa học do trường tổ chức. Em sẽ bầu những người có đóng góp nhiều cho xã hội, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công tác thanh niên…

Trường Đại học Tây Nguyên có hơn 7.000 sinh viên chính quy, 687 cán bộ giáo viên, trong đó, ngoài số lượng cử tri đi bầu cử tại nơi cư trú và 161 sinh viên Y khoa năm cuối thực hiện bầu cử ở Nha Trang do đang thực tập ở đó, còn lại 4.986 cán bộ, giáo viên, sinh viên và học sinh bầu cử tại trường thuộc 2 điểm bầu cử của phường Ea Tam. Cụ thể, điểm bầu cử số 12 có 3.785 cử tri, gồm cán bộ nhà trường, học sinh Trường THPT Thực hành Cao Nguyên và sinh viên các khoa: Y dược, Lý luận chính trị, Kinh tế, Nông lâm nghiệp, Chăn nuôi thú y. Điểm bầu cử số 13 (tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên) có 1.201 cử tri là sinh viên Khoa Ngoại ngữ, Sư phạm, Khoa học tự nhiên và công nghệ.

Ủy ban Bầu cử TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra công tác chuẩn bị tại khu vực bỏ phiếu Trường Đại học Tây Nguyên.
Ủy ban Bầu cử TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra công tác chuẩn bị tại khu vực bỏ phiếu Trường Đại học Tây Nguyên.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng Tổ bầu cử Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, để chuẩn bị tốt cho ngày bầu cử, trường đã thành lập tổ bầu cử gồm 21 thành viên, xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết để triển khai, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, phòng ban của trường. Hiện danh sách cử tri, lý lịch các ứng cử viên đã được niêm yết tại khu vực bỏ phiếu và thông báo đến học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên của trường biết để tìm hiểu. Bên cạnh đó, thông tin liên quan đến bầu cử cũng được gửi đến các lớp bằng bản photocopy và trang Facebook, Zalo của từng lớp. Khu vực bỏ phiếu đã được chuẩn bị, bố trí bảo đảm yêu cầu theo quy định, lối ra vào hợp lý để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tại ngày bầu cử, trường sẽ bố trí 12 nhân viên làm công tác y tế nhằm bảo đảm an toàn cho cử tri tham gia bỏ phiếu. Ngoài ra, đơn vị phân chia khung thời gian cụ thể theo từng lớp để tránh tập trung quá đông người cùng lúc dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Khu vực bầu cử  Trường Đại học Tây Nguyên có số lượng cử tri lớn nhất trong số 14 khu vực tại phường Ea Tam. Cử tri ở đây sẽ bầu 3 đại biểu Quốc hội (trong số 5 ứng cử viên), 5 đại biểu HĐND tỉnh (8 ứng cử viên) và 5 đại biểu HĐND TP. Buôn Ma Thuột (8 ứng cử viên).

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.