Multimedia Đọc Báo in

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm

11:23, 04/07/2012

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012 đã đạt được kết quả khá toàn diện, đúng hướng, mục tiêu đề ra trên tất cả các mặt như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tăng trưởng GDP đạt thấp; sản xuất công nghiệp tăng nhưng chỉ bằng 46% mức tăng cùng kỳ năm 2011; chỉ số hàng tồn kho còn ở mức cao; hệ thống ngân hàng thương mại chưa khơi thông tốt dòng vốn trong nền kinh tế; thu và chi ngân sách Nhà nước đạt thấp, bằng 42,8% so với dự toán, giải ngân chi đầu tư phát triển vẫn còn chậm... Xuất phát từ tình hình thực tiễn, Chính phủ đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm là: tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; từng bước thực hiện có kết quả chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm an sinh xã hội; làm tốt công tác đối ngoại; quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng...
Chính phủ yêu cầu NHNN có biện pháp quyết liệt xử lý nợ xấu; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7%-8%); nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận; sớm đưa ra những chính sách và biện pháp tháo gỡ cụ thể để các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động tiếp cận được nguồn vốn…Việc hỗ trợ tín dụng cho sản xuất nông lâm thủy sản cần triển khai sớm. Điều hành mức cung ứng tiền (M2) và mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, tránh dồn vào cuối năm, để vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhưng không để lạm phát cao quay trở lại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cần có biện pháp thực hiện chính sách hỗ trợ thuế đúng đối tượng ưu tiên nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia,...nhằm kích thích nhu cầu trong nước. Phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạ lãi suất tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu. Duy trì đà tăng trưởng cao của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tạo nhiều việc làm.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiêu thụ hàng tồn kho; khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế. Kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm. Kiểm soát chặt chẽ các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc gây tác động xấu đến hàng hóa nội địa. Đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” liên tục và sâu rộng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách huy động đầu tư của xã hội cho các dự án, công trình lớn, theo phương thức đầu tư “Đối tác công - tư” PPP. Khẩn trương rà soát, xử lý vốn đối ứng nhằm thúc đẩy nhanh các dự án ODA. Thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án sử dụng công nghệ cao. Xem xét việc ứng trước vốn đầu tư năm 2013 cho các công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2012, 2013. Khẩn trương thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, chống gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các sản phẩm xuất khẩu phải bảo đảm theo các quy chuẩn quốc tế. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục chỉ đạo các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong năm An toàn giao thông 2012.
Thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đặc biệt chú trọng lao động mất việc làm từ các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, nhất là ở khu vực công nghiệp tập trung, hộ gia đình thuộc diện giải tỏa, thu hồi đất sản xuất...

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.