Multimedia Đọc Báo in

Tính khả thi của văn bản pháp luật

15:45, 14/09/2012

Thời gian gần đây, báo chí cũng như dư luận có đề cập nhiều về một số quy định của văn bản Nhà nước không phù hợp với thực tiễn nên khó đi vào cuộc sống. Có những quy định chưa triển khai đã thấy vướng, đã bộc lộ những bất cập. Gần đây nhất, quy định “bán thịt trong vòng 8 giờ” đã buộc phải “ngưng hiệu lực”  vì không thể thực hiện, hay nói cách khác là không có tính khả thi.

“Khả thi” theo Đại từ điển tiếng Việt  là có khả năng thực hiện được. Việc cơ quan Nhà nước ban hành ra những quy định “không có khả năng thực hiện được”, trong dân gian có người bảo đó là những “suy diễn từ phòng máy lạnh” và đây cũng chính là một dạng biểu hiện của bệnh quan liêu.  Những văn bản pháp luật xa rời thực tiễn này cũng không phải là hiếm gặp và cũng chẳng phải của riêng ngành nào, địa phương nào. Mỗi khi những văn bản quản lý như vậy được ban hành ra sẽ gây khó cho nhiều đối tượng và để lại nhiều hệ lụy trong cuộc sống.

Hoạt  động xây dựng và ban hành văn bản pháp luật là giai đoạn khởi đầu, quan trọng của cơ quan Nhà nước để quản lý xã hội. Hoạt động này do cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục luật định. Một trong những nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được xác định trong Luật Ban hành văn bản năm 2008 là phải đảm bảo tính khả thi của văn bản. Luật quy định cơ quan có thẩm quyền khi thẩm định văn bản, một trong những nội dung cần tập trung thẩm định là tính khả thi của dự thảo văn bản, bao gồm sự phù hợp giữa quy định của dự thảo văn bản với yêu cầu thực tế, trình độ phát triển của xã hội và điều kiện bảo đảm để thực hiện. Mặt khác, nhằm đảm bảo tính khả thi,  Luật cũng quy định việc cơ quan xây dựng dự thảo phải tiến hành lấy ý kiến đối tượng tác động của văn bản. 

Trong thực tế các quy định này của pháp luật nhiều khi chưa được người có trách nhiệm coi trọng đúng mức, thậm chí còn bị xem nhẹ nên đã dẫn tới những hệ quả như đã xảy ra.

Phát biểu ý kiến về chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật do VCCI tổ chức, GS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng: Pháp luật chỉ là thứ “trang sức” nếu nó không được thực hiện tốt. Do đó, việc minh bạch hóa luật pháp, nâng cao tính khả thi của luật pháp là điều rất cần thiết.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc