Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị giữa kỳ Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020

21:04, 10/05/2018

Ngày 10-5, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị giữa kỳ Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020.

Tham dự Hội nghị có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh cùng đại diện các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế, các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu tại hội nghị

Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 được phê duyệt tháng 11-2013, có thời gian thực hiện từ năm 2014 - 2020 với tổng mức đầu tư hơn 84,6 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án để bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã và voi nhà; khôi phục, bảo vệ nguồn gen động, thực vật nguy cấp quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi với người…

Đến nay, sau 4 năm triển khai, Dự án đã được giải ngân 24,46 tỷ đồng, đạt 28,7% và đã mang lại những thay đổi tích cực trong công tác bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đàn voi nhà 45 con luôn được theo dõi về sức khỏe, quản lý, lập hồ sơ lý lịch, khám chữa bệnh định kỳ, lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu sinh lý, tẩy ký sinh trùng… bằng các phương pháp chữa trị truyền thống kết hợp với các phương pháp thú y hiện đại; đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, ghép cặp cho voi nhà sinh sản và có những tín hiệu tích cực khi một cá thể voi ở huyện Lắk đã mang thai sau 30 năm voi nhà không thể mang thai, sinh sản. 

Quang cảnh hội nghị
 Các đại biểu tham dự hội nghị

Đối với công tác bảo tồn đàn voi rừng, đã xác định được khoảng 5 đàn voi có khoảng 80-100 cá thể phân bố, sinh cảnh sống ổn định của voi trong phạm vi khoảng 173 nghìn héc-ta, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Ea Súp và Buôn Đôn; triển khai cứu hộ thành công nhiều con voi rừng gặp nạn, đặc biệt là cứu hộ thành công voi Jun (6 tuổi) bị vướng bẫy sứt vòi, mất đế chân, voi Gold (hiện nay đã 2 tuổi) bị lạc mẹ rơi xuống giếng khi mới 3 tháng tuổi. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo tồn voi cũng được chú trọng góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc chăm sóc, sử dụng đàn voi nhà theo hướng tích cực, bảo vệ sức khỏe cho voi nhà; tránh xung đột, xâm hại đàn voi rừng… Cùng với đó, công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn voi cũng đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó Tổ chức động vật châu Á đã hỗ trợ tích cực cho Trung tâm Bảo tồn voi về chuyên gia, đào tạo cán bộ, trang thiết bị để phục vụ công tác khám chữa bệnh, chăm sóc và cứu hộ voi.

Tuy nhiên, các đại biểu tham gia hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận việc bảo tồn voi ở Đắk Lắk vẫn còn nhiều thách thức như: đàn voi nhà phần lớn đã già và đang phải thường xuyên phục vụ du lịch; sinh cảnh của đàn voi rừng ngày càng thu hẹp; cơ sở vật chất phục vụ bảo tồn voi còn hạn chế…

Voi được kiếm ăn trong khu vực nuôi nhốt bán hoang dã của Trung tâm Bảo tồn voi
Voi tự tìm kiếm thức ăn tại khu nuôi nhốt bán hoang dã của Trung tâm Bảo tồn voi

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh nhấn mạnh, để công tác bảo tồn voi đạt được hiệu quả cao, thời gian tới, các cấp, các ngành có liên quan cần tiến hành điều tra chi tiết, toàn thể quần thể voi hoang dã tại tỉnh Đắk Lắk để làm cơ sở theo dõi biến động của voi hoang dã; xây dựng và triển khai kế hoạch bảo tồn sinh cảnh voi hoang dã; tiếp cận, học hỏi các phương pháp sinh sản nhân tạo để gia tăng số lượng voi nhà; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn voi; tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo tồn voi…

                                                                                                                                                      Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.