Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo thúc đẩy việc phục hồi và phát triển rừng bền vững lưu vực sông Sêrêpốk

18:05, 03/12/2019
Ngày 3-12, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới Việt Nam (Tropenbos) phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh và Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) tổ chức Hội thảo thúc đẩy việc phục hồi và phát triển rừng bền vững lưu vực sông Sêrêpốk.
 
Các đại biểu đã đem đến hội thảo nhiều tham luận có giá trị như: Bức tranh toàn cảnh về rừng và lâm nghiệp ở Tây Nguyên và Đắk Lắk; Thực hiện Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030 tại các địa phương; Đánh giá cơ hội phục hồi rừng ROAM; Phục hồi rừng trên những vùng đất có chồng lấn quyền sử dụng đất ở lưu vực sông Sêrêpốk từ nghiên cứu đến thực hành, khuyến nghị chính sách; Quản lý rừng cộng đồng tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông; Nông lâm kết hợp – giải pháp quản lý rừng bền vững ở lưu vực sông Sêrêpốk và tỉnh Đắk Lắk. 
 
Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo
Hội thảo nhằm cập nhật về tiến độ, kết quả và các khuyến nghị trong thực thi Đề án khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên; chia sẻ những kết quả ban đầu về giải pháp phục hồi, phát triển rừng và quản lý, sử dụng bền vững rừng, đất lâm nghiệp khu vực sông Sêrêpốk và tỉnh Đắk Lắk… qua đó tăng cường tiếng nói của cộng đồng trong việc tiếp cận đất đai nhằm phát triển rừng, sử dụng đất lâm nghiệp bền vững lồng ghép với thúc đẩy thực thi Quyết định 297/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 
 
Thời gian qua, Tropenbos Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện 3 nghiên cứu về phục hồi cảnh quan rừng lưu vực sông Sêrêpốk, tập trung ở hai huyện Lắk và Krông Bông. Chỉ trong vòng 20 năm (1999 – 2019) huyện Lắk và Krông Bông mất khoảng 36.650 ha rừng tự nhiên, bình quân mất 1.357 ha /năm. Việc tranh chấp, lấn chiếm đất xảy ra ở cả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu là do lấn chiếm rừng lấy đất sản xuất, di dân ngoài kế hoạch và bất cập trong khâu quản lý.
 
Đại diện Chi cục Kiểm lâm vùng IV trình bày tham luận tại hội thảo
Đại diện Chi cục Kiểm lâm vùng IV trình bày tham luận tại hội thảo
Quý III năm 2019, Tropenbos Việt Nam cũng đã phối hợp với UBND huyện Krông Bông và Vườn quốc gia Chư Yang Sin xây dựng mô hình phục hồi rừng theo hình thức hỗ trợ 100% cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để người dân các xã: Hòa Lễ, Hòa Phong, Khuê Ngọc Điền trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp. Mô hình triển khai trên diện tích trên 90 ha đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp với 42 hộ dân tham gia. Các hộ dân đã trồng gần 40.000 cây có giá trị, gồm: cẩm lai, trắc, giáng hương, cà te, sao đen, gáo vàng và sưa đỏ. 
 
Vạn Tiếp
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.