Multimedia Đọc Báo in

Bàn giải pháp quản lý bảo vệ rừng và thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên

16:53, 22/06/2020

Ngày 22-6, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên.

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT; Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành 5 tỉnh Tây Nguyên.

ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: H.Gia

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2019, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là gần 2,6 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt hơn 45,9%. Trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; đã xử lý 4.433 vụ vi phạm, trong đó xử phạt hành chính 4.119 vụ, xử lý hình sự 314 vụ, tịch thu 9.898 m3 gỗ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách 56 tỷ đồng.

Đầu năm 2019, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng được 9.197 ha rừng và trồng 478 ha thay thế rừng đặc dụng, phòng hộ; khai thác gỗ rừng trồng đạt 0,38 triệu m3, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt khoảng 11 triệu USD; sắp xếp, đổi mới 51/55 công ty lâm nghiệp...

ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.Gia

Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng khu vực Tây Nguyên, Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2030, diện tích rừng Tây Nguyên đạt trên 2,7 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%; bảo vệ 100% diện tích rừng tự nhiên hiện có; trồng 7.100 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; 136.600 ha rừng sản xuất; khoanh nuôi, tái sinh rừng bình quân 36.600ha/năm; trồng cây phân tán bình quân đạt 3,23 triệu cây/năm.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, bên cạnh việc tăng cường vai trò kiểm lâm thì cũng cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường hợp tác hơn nữa với các nước có chung đường biên giới; tạo sinh kế ổn định cho người dân để người dân sống được với rừng. Đồng thời, khoanh nuôi bảo vệ rừng kém hiệu quả, chuyển đổi diện tích đất sản xuất năng suất thấp sang trồng rừng; giải quyết, xử lý dứt điểm diện tích đất rừng bị lấn chiếm; ngăn chặn phá rừng, khai thác lâm nghiệp; tiếp tục có giải pháp ổn định dân di cư ngoài kế hoạch…

ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: H.Gia

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những ý kiến của đại biểu đóng góp tại hội nghị. Đối với những ý kiến về các vấn đề cụ thể, cá biệt của từng địa phương, yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp có văn bản trả lời ngay cho các tỉnh. Đối với những vấn đề chung, liên quan đến cơ chế, chính sách thì xem xét báo cáo với Bộ để nghiên cứu, rà soát, đồng thời kiến nghị với Thủ tướng, Chính phủ. Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh Tây Nguyên, đối với những dự án lâm nghiệp được phê duyệt và đã bố trí kinh phí thì phải triển khai khẩn trương; những dự án đang rà soát và đợi phê duyệt thì các tỉnh triển khai đẩy nhanh tiến độ. Thời gian tới, các địa phương và bộ, ngành liên quan cần xác định lại kinh tế lâm nghiệp để khai thác được giá trị của rừng tại từng địa phương, đồng thời xây dựng bước đi đột phá về cơ chế, chính sách cho lâm nghiệp…

 

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.