Multimedia Đọc Báo in

Đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá cho thành phố Buôn Ma Thuột

21:06, 18/07/2021

Từ 6 giờ ngày 18-7, TP. Buôn Ma Thuột thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều người dân trên địa bàn thành phố đổ xô đi mua hàng hóa, thực phẩm. Ngành Công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch cung ứng thực phẩm và các nhu yếu phẩm bảo đảm cho người dân mua sắm, không lo tình trạng thiếu hụt hàng hóa.

Sức mua tăng đột biến

Ghi nhận trong sáng 18-7, tại các chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm ở TP. Buôn Ma Thuột có rất nhiều người dân đến mua thực phẩm dự trữ để sử dụng nhằm hạn chế ra đường. Do lượng người mua đông, mua nhiều nên nhiều loại thực phẩm đã được bán hết nhanh chóng trong buổi sáng.

Theo quan sát, người dân tập trung mua gạo, mì gói, rau xanh, củ, quả, thịt, cá, trứng. Một số cửa hàng tạp hóa trên địa bàn không còn mì gói để bán. Giá một số loại rau xanh, củ, quả, thịt heo tại chợ cũng có sự biến động rõ rệt so với trước. Theo đó, thịt đùi heo từ 110.000 đồng/kg tăng lên 125.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng trứng vịt, mới hôm qua (17-7) có giá 3.300 đồng/quả thì nay tăng lên 3.800 đồng/quả; trứng gà công nghiệp tăng từ 3.000 đồng lên 3.500 đồng/quả, trứng gà ta từ 3.500 đồng/quả tăng lên 4.200 đồng/quả.

Rau xanh đã tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg so với ngày 17-7, như cải ngọt từ 10.000 đồng/kg tăng lên 14.000 đồng/kg, xà lách từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng/kg. Các loại củ, quả thì tăng mạnh, như bí xanh từ 22.000 đồng lên 28.000 đồng/kg; bắp sú từ 16.000 đồng lên 22.000 đồng/kg… Chị Lê Thị Tâm (người tiêu dùng phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) than thở, chị bất ngờ vì giá cả thực phẩm đã tăng “chóng mặt”. Lúc 9 giờ sáng ngày 18-7, chị đến chợ Phan Đình Phùng thì đã không còn thịt heo, thịt bò để mua. 

Theo nhiều người tiêu dùng, gần 10 ngày trở lại đây, giá các loại rau, củ quả bán ra tại chợ bất ngờ tăng mạnh do nhu cầu mua hàng của người dân để đóng thùng chở đi các tỉnh phía Nam tăng cao. Đến nay, ngày đầu tiên thành phố thực hiện Chỉ thị 15, giá thực phẩm lại tiếp tục tăng.

Lượng khách hàng đến mua sắm tại siêu thị Co.opmart tăng cao
Lượng khách hàng đến mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột tăng cao.

Tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, sáng 18-7, lượng khách đến mua tăng đột biến. Hàng hóa được người tiêu dùng tập trung mua là gạo, đồ khô, nước mắm, mì tôm, thịt hộp, thịt, trứng... Để tránh tình trạng người dân đầu cơ, thu gom số lượng nhiều, siêu thị này giới hạn mỗi khách hàng được mua tối đa 2 thùng mì gói, 2 vỉ trứng (20 quả)/ngày. Theo bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, sức mua tăng cao khiến các khu vực rau, củ, quả, gian hàng đồ khô như gạo, mì tôm, quầy thịt, cá… được siêu thị bổ sung liên tục. Trong buổi sáng, chỉ riêng mặt hàng thịt heo tươi sống, siêu thị đã bổ sung 3 đợt hàng với tổng cộng gần 2 tấn để phục vụ khách.

Cửa hàng kinh doanh thực phẩm Nụ cười Ban Mê trong sáng 18-7 cũng đón lượt khách tăng đột biến
Cửa hàng kinh doanh thực phẩm Nụ cười Ban Mê trong sáng 18-7 cũng đón lượt khách tăng đột biến.

Tại cửa hàng bán thịt tươi sống và thịt nhập khẩu của Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm Nụ cười Ban Mê (số 316 đường Phan Bội Châu, phường Thành Công và số 01 Ama Khê, phường Tân Lập), lượng khách đến mua hàng tăng gấp bốn lần so với ngày thường. Ông Võ Văn Tú, Giám đốc công ty cho hay, từ sáng sớm, cửa hàng đã tấp nập khách đến mua thịt. Trong thời gian một giờ, từ 5 giờ 30 đến 6 giờ 30 phút, 2 tạ thịt heo tươi sống tại cửa hàng đã tiêu thụ hết. Tính chung buổi sáng nay, các cửa hàng đã tiêu thụ hết 2 tấn thịt các loại.

Bảo đảm không thiếu hàng hóa

Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho hay, mặc dù lượng người mua tăng cao nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu bán ra ở siêu thị hiện vẫn giữ ổn định, không có hiện tượng “sốt” giá. Siêu thị đã có kế hoạch dự trữ sẵn các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì gói, đồ hộp và hàng đông lạnh các loại. Riêng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, trứng, rau, củ quả… đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp, có kế hoạch dự trữ tăng thêm để bảo đảm cung ứng khi sức mua tăng cao. Cùng với đó, những chuyến hàng sẽ được điều phối về liên tục mỗi ngày để bổ sung kịp thời, nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm thiết yếu như gạo, mì gói, dầu ăn... Do đó, người tiêu dùng yên tâm mua sắm, không lo vấn đề đứt gãy nguồn cung.

hàng hóa được siêu thị bổ sung kiên tục để
Hàng hóa được Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột bổ sung liên tục để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng địa phương

Theo Sở Công thương, qua theo dõi, nắm bắt tình hình từ các hệ thống phân phối như chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ… thì nguồn cung hàng hóa trên địa bàn bảo đảm ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương khẳng định, ngành Công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch cung ứng thực phẩm và các nhu yếu phẩm bảo đảm cho người dân mua sắm, không lo tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã sẵn sàng các phương án điều tiết, khơi thông hàng hóa trong tình huống xấu nhất. Do đó, người dân yên tâm, chỉ mua đủ dùng, không nên đổ xô đi mua hàng tích trữ, tập trung đông người, dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh và thiếu hàng cục bộ. Đồng thời, Sở cũng vận động người dân chuyển sang các hình thức giao dịch khác như mua hàng qua điện thoại, đặt hàng online, giao hàng tận nhà… thay vì đến tận nơi để mua sắm.

Ông Võ Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm Nụ cười Ban Mê cho hay, để hoạt động mua bán hàng hóa bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19, doanh nghiệp chủ động lượng lớn thịt nhập khẩu các loại để kịp thời bổ sung, cung cấp ra thị trường phục vụ người dân địa phương. Từ ngày mai (19-7), đơn vị thực hiện giảm giá 5% cho hóa đơn mua hàng trực tuyến và miễn phí giao hàng trong nội thành TP. Buôn Ma Thuột nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, bảo đảm các biện pháp an toàn cho khách hàng khi mua sắm.

Đỗ Lan


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.