Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XII: Các phiên chất vấn đều thể hiện tinh thần trách nhiệm
Khi chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng về tình trạng thiếu điện kéo dài, một số đại biểu đặt vấn đề: việc thiếu điện nêu ra từ nhiều kỳ họp trước, nhưng tình hình ngày càng căng thẳng. Thiếu điện ảnh hưởng đến GDP như thế nào? 20 năm nữa đất nước vẫn thiếu điện, đâu là nguyên nhân cơ bản? Điều hành của Chính phủ đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyết liệt không, hay vẫn nuông chiều như dư luận lo ngại.
Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nói: muốn hết thiếu điện, phải đầu tư phát triển ngành điện, vừa đổi mới thiết bị, vừa sử dụng tiết kiệm. Phó Thủ tướng thừa nhận, để thiếu điện, để diễn ra tình trạng cắt điện luân phiên làm người dân phải vất vả, khổ sở là trách nhiệm của Chính phủ, của Thủ tướng và các bộ phận giúp việc, trong đó có EVN. Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, trong đó có nguyên nhân 34% nguồn điện là từ thủy điện, nên vào mùa khô thường thiếu nước. Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan đó là: Đầu tư phát triển nguồn điện có kế hoạch nhưng vẫn còn chậm do công tác quản lý đầu tư; chậm đổi mới thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm (máy móc trong sản xuất, thiết bị trong tiêu dùng…); ý thức sử dụng điện chưa tiết kiệm, từ công viên tới công sở, từ quốc lộ tới gia đình, tiêu hao điện của ngành điện, biện pháp đổi mới công nghệ hiệu quả chưa cao… Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, điện là 1 trong 3 điểm yếu mà Chính phủ nêu ra và ưu tiên giải quyết. “3 điểm yếu của chúng ta có 2 cái nhanh và 1 cái chậm. Nhập khẩu tăng nhanh, giá và lãi suất tăng nhanh. Nhưng điện giải quyết chậm. Chính phủ không nuông chiều EVN. Thủ tướng thường xuyên họp kiểm điểm”, ông nói.
Đại biểu Đặng Như Lợi chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng |
Sau hơn 2 ngày diễn ra chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét: Các phiên chất vấn đã thể hiện tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc và có trách nhiệm của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và 4 Bộ trưởng cùng các đại biểu Quốc hội. Nội dung các vấn đề chất vấn đều rất phong phú, nóng hổi đang được dư luận xã hội quan tâm như: Quản lý điều hành giá, chính sách tài chính tiền tệ và ngân hàng; quản lý đất lâm - nông nghiệp; Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-TP.Hồ Chí Minh; tính toán để người nông dân có lãi 30% khi trồng lúa; công tác quản lý trong các lễ hội và trò chơi games online... Không khí trong các phiên chất vấn được đánh giá là dân chủ, thực chất, có bước tiến trong việc tranh luận, đối thoại, không né tránh vấn đề.
Ý kiến bạn đọc