KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG (1-8-1930 - 1-8-2010)
Những chặng đường vẻ vang của ngành Tuyên giáo Dak Lak
(Tiếp theo)*
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở Dak Lak, Đảng bộ tỉnh tuy chưa thành lập, nhưng do tác động của các chiến sĩ cộng sản ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân các dân tộc, binh lính, sĩ quan, công chức, trí thức người dân tộc thiểu số tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ngày 24-8-1945.
Những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bộ máy chính quyền tỉnh được thành lập, công tác tuyên huấn tập trung vào nhiệm vụ củng cố, xây dựng và bảo vệ chính quyền, tích cực vận động, khuyếch trương chiến thắng, động viên mọi tầng lớp nhân dân giữ vững thành quả cách mạng, hưởng ứng phong trào “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng”, tham gia bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau khi thực dân Pháp trở lại tái chiếm đóng Dak Lak, công tác tuyên giáo của Ban cán sự Đảng bộ tỉnh tập trung công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng nhân dân thông suốt đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh của Đảng, tiến hành gây cơ sở bằng phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân đứng lên kháng chiến. Đến năm 1950, đội ngũ làm công tác tuyên giáo của tỉnh hoạt động có nề nếp, tiến hành nhiều đợt chỉnh huấn, chỉnh quân, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, làm cho nhân dân thấm nhuần tư tưởng trường kỳ kháng chiến, góp phần thiết thực vào chiến thắng Đông Xuân năm 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Mỹ – Diệm coi Tây Nguyên, Dak Lak là địa bàn chiến lược quan trọng, tiến hành cuộc chiến tranh tàn khốc, đưa một lực lượng quân lớn chiếm đóng trên địa bàn để đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân, tìm mọi cách tiêu diệt các cơ quan đầu não của tỉnh. Quân và dân Dak Lak phải đương đầu với một kẻ thù vô cùng tàn bạo và xảo quyệt. Bên cạnh kẻ thù Mỹ – ngụy, chúng ta còn phải đối phó với một lực lượng phản động có vũ trang là Fulro, với chiêu bài “tự trị, giả hiệu, bài Kinh chống cộng” được Mỹ nuôi dưỡng giúp đỡ làm cho tình hình chính trị, quân sự của tỉnh thêm khó khăn, phức tạp. Công tác tuyên giáo tiếp tục tuyên truyền, vạch trần bộ mặt tàn bạo, dã man của bè lũ tay sai bán nước Ngô Đình Diệm và bọn xâm lược đế quốc Mỹ. Tăng cường biên soạn tài liệu tiếng Kinh, tiếng Êđê và tiếng M’nông, vận động nhân dân tham gia kháng chiến. Dần dần hình thành các đội văn công, chiếu bóng và giáo dục. Từ đó, các binh chúng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của tỉnh hoạt động có nề nếp, chính quy hơn trong vùng căn cứ cũng như vùng tranh chấp. Ở vùng tạm chiếm ta tổ chức phản tuyên truyền, móc nối xây dựng cơ sở làm công tác dân vận và binh vận ngay trong lòng địch.
Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ; phát huy truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Dak Lak đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, chịu đựng nhiều tổn thất hy sinh, cùng cả nước bền bỉ đấu tranh kiên cường, đi đến giành thắng lợi hoàn toàn. Công tác tuyên giáo cùng với các ngành, các giới, các lực lượng vũ trang phối hợp hành động, tiến hành trường kỳ động viên chính trị, giáo dục tư tưởng, đặc biệt là cán bộ, đảng viên luôn có trách nhiệm đi đầu vận động và tổ chức phong trào quần chúng, làm thông suốt tư tưởng chiến lược tiến công và quán triệt tư tưởng tiến công trên mặt trận tư tưởng – văn hóa. Xây dựng sự thống nhất cao về chính trị và tinh thần trong đời sống xã hội, phát hiện và uốn nắn những quan điểm lệch lạc như ngại khó, ngại khổ, ngại chiến đấu lâu dài, hữu khuynh cố thủ, bi quan, dao động, khuynh hướng giản đơn, nóng vội, muốn thắng nhanh hoặc ảo tưởng hòa bình, chủ quan, mất cảnh giác. Trên cơ sở xây dựng vững vàng về tư tưởng chính trị trong nội bộ, giáo dục cảnh giác chống chiến tranh tâm lý của địch. Công tác tuyên giáo đã tập trung tuyên truyền giáo dục trong nội bộ Đảng và nhân dân, củng cố, xây dựng lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu cao ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do” nhằm động viên, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc, dấy lên cao trào chống Mỹ, cứu nước của toàn dân với khí thế sôi nổi, hào hùng “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Mỗi phong trào cụ thể của các ngành, các giới đều mang đậm khí phách khát khao giải phóng dân tộc, đó là một bài học quý giá, một thành công lớn trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng của Đảng bộ tỉnh, góp phần làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột 10-3-1975 lịch sử, là mốc son chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đưa công tác tuyên giáo của Đảng bộ bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, Dak Lak cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội với đặc điểm của tình hình vừa phải nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống cho đồng bào các dân tộc, vừa phải tổ chức lực lượng đấu tranh chống lực lượng phản động có vũ trang – Fulrô và chiến tranh biên giới để ổn định tình hình, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho xây dựng và phát triển kinh tế. Công tác tuyên giáo tập trung ổn định tình hình tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; nêu cao khí phách cách mạng, phấn khởi và tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuyên truyền phổ biến rộng rãi các chủ trương chính sách của Đảng trong vùng mới giải phóng, đập tan những luận điệu chiến tranh tâm lý phá hoại của địch, phá hoại khối đoàn kết công – nông, đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, động viên tổ chức phong trào quần chúng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng chính quyền và các đoàn thể nhân dân cách mạng ở các xã, phường, ổn định cuộc sống mới.
Ý kiến bạn đọc